Người đàn ông Mỹ – Jordy Trachtenberg – đã từ bỏ những công việc lương cao để chuyển tới Việt Nam sinh sống. Với ông, chẳng nơi nào khác trên thế giới có thể mang đến cảm giác hạnh phúc như Việt Nam.
Ông Tây mê tóp mỡ
“Tóp mỡ boy” là biệt danh hài hước mà nhiều cư dân mạng đặt cho Jordy Trachtenberg, một người đàn ông quốc tịch Mỹ đang sinh sống tại TPHCM.
Jordy từng chia sẻ trong một nhóm ẩm thực: “Cho một cục tóp mỡ nóng hổi vào miệng, cắn một cái, âm thanh giòn rụm và lớp mỡ tóe ra trên đầu lưỡi mang lại một thứ xúc cảm diệu kỳ. Thật sự là tôi có thể ăn tóp mỡ mỗi ngày. Tôi không nói giỡn đâu, nằm mơ tôi cũng thấy tóp mỡ”.
Bài viết của người đàn ông Mỹ thu hút hàng chục ngàn lượt tương tác trên mạng xã hội.
Jordy thừa nhận, đã 2,5 năm trôi qua nhưng rất nhiều người bạn Việt Nam và cư dân mạng vẫn nhớ tới bài viết về tóp mỡ của ông. “Trước đây tôi nghĩ không có gì ngon hơn thịt xông khói. Nhưng khi tới Việt Nam. Tôi biết, món ngon nhất trên đời là tóp mỡ”, người đàn ông Mỹ hài hước chia sẻ.
Jordy cũng đam mê nhiều món Việt khác như bánh mì, bánh xèo, mì Quảng, bún riêu, bò né… và không thể không kể tới cà phê vỉa hè TPHCM.
“Con người, văn hóa và ẩm thực Việt Nam khiến tôi chẳng thể rời xa mảnh đất này”, Jordy thừa nhận. Bằng chứng là cuối năm ngoái, sau 3 năm ở Việt Nam, Jordy chuyển đến sống ở Bangkok. Nhưng chỉ chưa đầy 6 tháng, người đàn ông Mỹ đã từ bỏ công việc với mức lương cao chót vót để trở lại TPHCM.
Việt Nam là nơi “chữa lành”
Ông Jordy Trachtenberg (54 tuổi, quốc tịch Mỹ), hiện đang là giáo viên dạy tiếng Anh tại TPHCM.
Trước đây, Jordy sống tại New York và hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Ông sở hữu hãng thu âm riêng, chuyên hợp tác với các công ty âm nhạc nổi tiếng trong suốt 25 năm. Với đặc thù công việc, Jordy có cơ hội tới nhiều quốc gia khác nhau. Ngoài làm việc, ông dành thời gian du lịch, tìm hiểu văn hóa, cố gắng hòa nhập cuộc sống của người dân bản địa.
Năm 2015, lần đầu tiên Jordy đến Đông Nam Á. Sự khác biệt của văn hóa, cuộc sống ở Bangtao (Thái Lan) với châu Âu, châu Mỹ khiến ông quyết định bán hết tài sản ở Mỹ để chuyển tới Đông Nam Á khám phá. Jordy muốn sống như “kẻ du mục”, trải nghiệm mỗi thành phố từ 6 tháng tới 1 năm.
Năm đầu tiên, Jordy sống và làm việc ở Phnom Penh. Thời gian đầu, mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Jordy bị hấp dẫn bởi thành phố mới đầy bí ẩn. Tuy nhiên, không bao lâu sau, hai biến cố lớn ập tới.
Ông bị bệnh nặng, phải bay đến Malaysia để chữa trị. Đáng buồn là khi trở lại Phnom Penh được 6 tuần, người bạn thân nhất của ông bất ngờ ra đi sau một vụ tai nạn.
“Đó là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời của tôi. Khi đó tôi đã cân nhắc đến việc từ bỏ mọi thứ để quay trở về Mỹ”, Jordy kể.
“Nhưng một điều gì đó lại thôi thúc tôi tìm tới Việt Nam. Tôi đặt chân tới TPHCM vào ngày 29/4/2019. Khi ấy, tôi không còn là chính tôi. Tôi mang trong mình vết thương lòng quá lớn”, ông nói.
Tuần đầu tiên tới Việt Nam, khác với những nơi từng đến, Jordy nhanh chóng cảm nhận được sự ấm áp.
“Người Sài Gòn rất dễ thương, họ tò mò và bộc trực”, du khách người Mỹ miêu tả. Khi ông đi dạo trên đường, nhiều người dừng xe, tiến lại hỏi thăm. Có người thích thú vuốt râu Jordy, khen bộ râu quá đẹp và xin chụp ảnh cùng. Có người thì tò mò về hình xăm trên hai cánh tay.
“Những ông cụ hay hỏi về cái đầu hói của tôi: “Tóc bạn đâu rồi?”. Tôi không ngại ngần đáp lại: “Nếu tôi biết tóc của tôi trốn ở đâu, bạn nghĩ tôi có nên đội lại nó lên đầu không?”.
Ngôn ngữ không hề là rào cản giữa tôi và những người Việt. Chỉ cần nhìn ánh mắt, biểu cảm gương mặt của họ là tôi thấy sự vui vẻ, quan tâm thật lòng”, Jordy tâm sự.
Đến Việt Nam, Jordy làm nghề dạy học. Jordy khá kén học sinh nhưng những đứa trẻ xem ông như người thân. Phụ huynh cũng dành tình cảm đặc biệt cho Jordy, thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện, giới thiệu với ông văn hóa, ẩm thực, cảnh đẹp Việt Nam.
“Tôi cảm nhận được sự ấm áp trong những gia đình Việt Nam. Thậm chí, tôi cảm thấy những đứa trẻ mới là người thầy của mình. Chúng dạy tôi cách yêu gia đình, yêu cuộc sống”, Jordy tâm sự.
Sự thân thiện, mến khách của những người Việt Nam xa lạ như một “liều thuốc tinh thần” với Jordy, giúp ông chữa lành những tổn thương tâm lý.
Thời gian rảnh, Jordy thích đi chùa. Trong 4 năm qua, ông đã đến hàng trăm đền, chùa ở Việt Nam. Hàng tháng, người đàn ông Mỹ tới miếu nổi Phù Châu, Gò Vấp để cầu nguyện. Ông cũng tìm đến những làng chài ven biển ở Vũng Tàu, Nha Trang, Mũi Né để thăm các ngôi chùa thờ cá voi.
Sắp tới, Jordy dự kiến sẽ ra Hà Nội. Ông đã đọc nhiều bài viết về những ngôi chùa cổ kính, trăm năm tuổi tại đây.
Jordy thừa nhận, ông từng kiếm được rất nhiều tiền ở Mỹ. Khi nhận lời tới Thái Lan làm việc, ông cũng được trả mức lương “trên trời”. Thế nhưng, chỉ khi ở Việt Nam, Jordy mới thực sự hạnh phúc, tận hưởng được niềm vui cuộc sống.
“Tới Việt Nam, tôi tìm được định nghĩ mới về “giàu có”. Tôi “giàu có” không phải nhờ tiền bạc mà tôi “giàu” khi được ăn những món ngon hấp dẫn, trải nghiệm những nét văn hóa đa dạng, gặp gỡ những con người thân thiện, yêu đời, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên ấn tượng”, người đàn ông Mỹ chia sẻ.
Hiện tại, Jordy thường xuyên quay video về cuộc sống ở Việt Nam và chia sẻ trên mạng xã hội. Ông muốn giới thiệu đất nước tươi đẹp này tới khắp thế giới. Mỗi tháng, những video của ông thu hút hơn 2 triệu lượt xem.
Thời gian tới, Jordy ấp ủ thực hiện một câu lạc bộ nghệ thuật cộng đồng, nơi ông có thể kết hợp văn hóa âm nhạc Mỹ và Việt Nam.
Theo Khôi Vũ (dantri.com.vn)