Dị vật ống tiêu hóa: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Dị vật ống tiêu hóa là một tình trạng cấp cứu y khoa thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày. Đây là một sự cố hy hữu có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, khiến người bệnh và gia đình lo lắng. Nếu không được khám và xử lý kịp thời, dị vật có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh.

Bài viết được viết bởi ThS.BS – Bác sĩ ngoại tiêu hóa, Khoa Ngoại Tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

1. Ống tiêu hóa gồm những cơ quan nào?

Ống tiêu hóa là hệ thống dẫn thức ăn đi qua các giai đoạn tiêu hóa trong cơ thể, bao gồm: cổ họng, thực quản, dạ dày, ruột non và ruột già, trực tràng và hậu môn. Đây là con đường thực phẩm được xử lý, hấp thụ dưỡng chất và nước để nuôi dưỡng cơ thể. Phần chất thải không hấp thụ được sẽ tiếp tục di chuyển qua ống tiêu hóa và được bài tiết ra ngoài qua phân.

2. Dị vật ống tiêu hóa có thực sự nguy hiểm không?

Tỷ lệ mắc dị vật ống tiêu hóa hiện nay dao động từ 1 đến 1,2 người trên mỗi 10.000 dân. Trong số đó, khoảng 20% trường hợp dị vật bị mắc kẹt tại đường tiêu hóa trên (bao gồm hầu họng, thực quản, dạ dày, tá tràng đến góc Treitz), và cần được can thiệp bằng phương pháp nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng để gắp dị vật.

Khoảng 80% còn lại, dị vật thường tự di chuyển và được đào thải ra khỏi cơ thể an toàn qua đường ruột. Tuy nhiên, khoảng 1% số trường hợp dị vật dù đã đi qua môn vị dạ dày vẫn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Thủng ruột: Xảy ra khi dị vật sắc nhọn đâm xuyên qua thành ruột.
  • Tắc ruột: Gây ra bởi dị vật có kích thước lớn.
  • Áp xe trong ổ bụng: Khi dị vật xuyên qua thành ruột, di chuyển vào khoang phúc mạc và gây tụ dịch mủ.
  • Nhiễm trùng, nhiễm độc nặng: Trong trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

3. Biến chứng do dị vật đường tiêu hóa

3.1 Tắc ruột

Tắc ruột là biến chứng phổ biến của dị vật ống tiêu hóa với các triệu chứng tắc ruột điển hình như:

  • Đau bụng từng cơn: Có thể khởi phát từ từ hoặc đột ngột, thường bắt đầu ở vùng rốn hoặc mạn sườn, sau đó lan ra toàn ổ bụng.
  • Nôn ói: Xảy ra đồng thời với cơn đau bụng nhưng không làm giảm mức độ đau.
  • Bí trung đại tiện: Thường xuất hiện sau vài giờ, mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào vị trí tắc ruột cao hay thấp.

Tắc ruột là biến chứng của dị vật ống tiêu hóa và gây cho người bệnh triệu chứng nôn kèm theo đau bụng cơn.

3.2 Viêm phúc mạc

Viêm phúc mạc xảy ra khi dị vật xuyên thủng đường tiêu hóa, gây nhiễm trùng nghiêm trọng. Triệu chứng bao gồm:

  • Đau bụng dữ dội, bụng chướng và co cứng.
  • Tình trạng nhiễm trùng toàn thân, sốt cao, và nếu không điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

3.3 Áp xe trong ổ bụng

Áp xe là hiện tượng tụ mủ khu trú trong ổ bụng, do mạc nối lớn hoặc thành ruột bao bọc quanh dị vật xuyên thủng thành ruột. Đây là biến chứng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng kéo dài và cần được xử lý triệt để.

Dị vật ống tiêu hóa dù chiếm tỷ lệ nhỏ, vẫn là mối nguy hiểm tiềm tàng đối với sức khỏe, đòi hỏi sự thăm khám và xử trí kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng nặng nề.

4. Hoàn cảnh xảy ra

Người bệnh thường không nhận thức được mình đã nuốt phải dị vật hay không, do quá trình xảy ra một cách vô ý hoặc không rõ ràng. Các tình huống dễ dẫn đến nuốt dị vật ống tiêu hóa bao gồm:

4.1 Trong các dịp liên hoan, lễ hội

Khi tham gia tiệc tùng, một số người ăn uống vội vã, nhai không kỹ, dễ vô tình nuốt phải các dị vật như xương cá, mảnh vỏ hạt hoặc các vật lẫn trong thức ăn mà không hay biết.

4.2 Trẻ em nghịch ngợm

Trẻ em thường có thói quen ngậm hoặc nuốt các đồ chơi nhỏ, vật dụng trong nhà hoặc hạt quả khi chơi đùa, dẫn đến nguy cơ cao bị dị vật ống tiêu hóa.

4.3 Người cao tuổi hoặc người mất răng

Những người già yếu hoặc mất răng có khả năng nhai kém, dễ nuốt cả khối thức ăn dai, xương, tăm tre, thậm chí cả hàm răng giả, gây nguy cơ mắc dị vật.

4.4 Vô ý nuốt phải vỏ thuốc

Một số trường hợp xảy ra khi người bệnh uống thuốc vào ban đêm trong điều kiện thiếu sáng, vô tình nuốt cả viên thuốc còn nguyên vỏ nhựa có cạnh sắc nhọn.

4.5 Ngậm tăm sau khi ăn

Những người có thói quen ngậm tăm sau bữa ăn, nếu ngủ quên, có thể vô ý nuốt tăm mà không nhận ra.

Những hoàn cảnh trên đều tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến dị vật ống tiêu hóa, đòi hỏi sự chú ý và cẩn trọng trong sinh hoạt hàng ngày.

5. Triệu chứng

Triệu chứng của dị vật ống tiêu hóa phụ thuộc vào vị trí nơi dị vật mắc lại. Dị vật có thể nằm ở bất kỳ đoạn nào trên đường tiêu hóa, từ miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng đến hậu môn. Tuy nhiên, các vị trí thường gặp nhất là thực quản và ruột non.

Dị vật ống tiêu hóa thường bao gồm:

  • Các mảnh xương động vật (xương cá, xương gà, xương lợn…).
  • Vật dụng nhỏ trong đời sống hàng ngày (tăm tre, chìa khóa, đồng xu…).
  • Các khối thức ăn đặc như hạt trân châu.

Theo thống kê, các dị vật có chiều dài > 6 cm hoặc đường kính > 2,5 cm hiếm khi có thể lọt qua dạ dày.

Triệu chứng theo vị trí dị vật:

5.1 Dị vật thực quản

  • Phát hiện ngay sau khi nuốt phải dị vật.
  • Triệu chứng chính: cảm giác nuốt vướng, đau, khó nuốt, nôn trớ khi cố gắng ăn uống.
  • Một số trường hợp khác có biểu hiện tức ngực, khó thở, đau nóng rát sau xương ức.
  • Giai đoạn muộn: sốt, đau nhiều ở vùng hầu họng hoặc sau xương ức, tăng tiết đờm dãi, ứ đọng thức ăn do dị vật gây xước rách thực quản, dẫn đến nhiễm trùng.

5.2 Dị vật dạ dày

  • Người bệnh vẫn có thể ăn uống nhưng cảm giác khó chịu: buồn nôn, đầy bụng khó tiêu, ăn không tiêu.
  • Thường xuất hiện tình trạng nôn, có thể nôn ra thức ăn mới hoặc thức ăn đã tiêu hóa một phần.
  • Có thể xuất hiện cơn đau do dạ dày co bóp mạnh để đẩy dị vật qua lỗ môn vị.

5.3 Dị vật ruột non và đại trực tràng

  • Triệu chứng ban đầu thường mơ hồ, bao gồm đau bụng âm ỉ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác.
  • Giai đoạn muộn, khi hình thành khối áp xe: bệnh nhân sốt cao, biểu hiện nhiễm trùng nặng, bụng chướng, có dấu hiệu viêm phúc mạc.

Dị vật thực quản gây triệu chứng khó nuốt khó thở cho người bệnh.

Việc chẩn đoán và xử trí kịp thời dị vật ống tiêu hóa là rất quan trọng để tránh các biến chứng nguy hiểm như thủng ruột, nhiễm trùng hoặc viêm phúc mạc.

6. Các phương pháp chẩn đoán dị vật đường tiêu hóa

Việc chẩn đoán dị vật ống tiêu hóa dựa trên khai thác tiền sử và các phương pháp cận lâm sàng. Cụ thể:

6.1 Khai thác tiền sử và triệu chứng lâm sàng

  • Hỏi bệnh sử về thói quen ăn uống và các triệu chứng ngay sau khi nghi ngờ nuốt dị vật (hóc, nuốt vướng, đau…).
  • Triệu chứng gợi ý như đau bụng, khó nuốt, buồn nôn, sốt… có thể định hướng vị trí dị vật.

6.2 Chụp X-quang

  • Chụp X-quang ngực: Phát hiện dị vật cản quang (như kim loại, xương lớn) cùng những dấu hiệu gián tiếp trong trường hợp biến chứng: viêm phổi, áp xe trung thất, tràn dịch màng phổi khi dị vật thủng thực quản.
  • X-quang bụng không chuẩn bị: Phát hiện liềm hơi dưới hoành (dấu hiệu thủng ruột non hoặc đại trực tràng).

6.3 Siêu âm và chụp CT ổ bụng

Giúp xác định hình ảnh dị vật hoặc các biến chứng như:

  • Dị vật xuyên thủng thành ruột.
  • Tắc nghẽn đường tiêu hóa.
  • Các khối áp xe trong ổ bụng.

6.4 Nội soi tiêu hóa

  • Phương pháp quan trọng để chẩn đoán xác định.
  • Đồng thời có thể can thiệp điều trị như gắp dị vật tại thực quản, dạ dày hoặc tá tràng qua nội soi.

6.5 Xét nghiệm máu

Phát hiện hội chứng nhiễm trùng: bạch cầu tăng, dấu hiệu viêm phản ứng.

Phương pháp kỹ thuật nội soi lấy dị vật thực quản.

Các phương pháp trên cần được thực hiện kịp thời để phát hiện sớm và xử lý dị vật đường tiêu hóa, tránh các biến chứng nguy hiểm.

7. Phương pháp theo dõi và điều trị dị vật đường tiêu hóa

7.1. Dị vật ở thực quản và dạ dày

Gắp dị vật qua nội soi:

  • Đây là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả, thường được thực hiện dưới gây mê để đảm bảo người bệnh không đau, tránh co thắt thực quản, kích thích hoặc nôn trong quá trình nội soi.
  • Phương pháp này giúp loại bỏ dị vật triệt để, giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

Xử lý giai đoạn muộn:

  • Nếu dị vật ống tiêu hóa đã gây biến chứng như viêm hoặc áp xe trung thất, việc điều trị sẽ phức tạp hơn.
  • Những trường hợp này cần bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm, đồng thời phải điều trị tại các trung tâm y tế lớn với đầy đủ trang thiết bị và đội ngũ chuyên môn để đảm bảo an toàn trong phẫu thuật và hồi sức sau mổ.

7.2. Dị vật ở ruột non và đại trực tràng

Theo dõi y tế chặt chẽ:

Đối với các dị vật có bề mặt trơn nhẵn, người bệnh cần được theo dõi sát tại cơ sở y tế để đảm bảo dị vật có thể tự đào thải qua đường tiêu hóa một cách an toàn.

Phẫu thuật:

Trường hợp dị vật sắc nhọn hoặc nguy cơ cao gây tổn thương ruột (như thủng hoặc tắc nghẽn), người bệnh có thể cần can thiệp phẫu thuật.

7.3. Phương pháp phẫu thuật

Lựa chọn phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở:

Quyết định dựa trên tình trạng bệnh, mức độ tổn thương và điều kiện cơ sở y tế.

Xử lý tổn thương:

Nếu dị vật ống tiêu hóa gây thủng hoặc biến chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể phải chỉ định thực hiện:

  • Cắt đoạn ruột tổn thương.
  • Tạo hậu môn nhân tạo tạm thời trong một số trường hợp để bảo vệ đường tiêu hóa trong giai đoạn hồi phục.

Quá trình điều trị dị vật ống tiêu hóa cần thực hiện kịp thời và đúng phương pháp, tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng, nhằm ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm và đảm bảo an toàn cho người bệnh.

6. Các biện pháp phòng ngừa dị vật đường tiêu hóa

6.1 Thói quen ăn uống

  • Ăn chậm, nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa nói chuyện hoặc bị phân tâm để giảm nguy cơ nuốt phải dị vật.
  • Tránh ăn các loại thức ăn dai, cứng hoặc còn lẫn xương, đặc biệt là các loại cá và thịt gia cầm.

6.2 Chú ý chế độ chăm sóc t cho người già và trẻ nhỏ

Thức ăn dành cho người cao tuổi và trẻ nhỏ nên được xay nhuyễn, nấu chín mềm để dễ tiêu hóa và an toàn khi ăn.

6.3 Thói quen sinh hoạt

  • Tránh thói quen ngậm tăm sau khi xỉa răng để loại bỏ nguy cơ vô ý nuốt phải.
  • Luôn kiểm tra và bóc vỏ vỉ thuốc hoàn toàn trước khi sử dụng, tránh để sót vỏ có cạnh sắc nhọn.

6.4 Cẩn thận khi sử dụng bia rượu

Trong các bữa tiệc, liên hoan có sử dụng bia rượu, cần đặc biệt chú ý khi ăn uống, tránh tình trạng mất tập trung hoặc ăn quá nhanh dễ dẫn đến nuốt phải dị vật.

Dị vật ống tiêu hóa
Dị vật ống tiêu hóa

Thực hiện đúng các biện pháp trên sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ nuốt phải dị vật, bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa hiệu quả.

Người bệnh tuyệt đối không tự ý điều trị dị vật ống tiêu hóa tại nhà hoặc áp dụng các phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng. Đặc biệt, không nên cố gắng nuốt thêm thức ăn với hy vọng làm dị vật “trôi” xuống, vì hành động này có thể gây tổn thương nghiêm trọng hơn cho đường tiêu hóa và làm tình trạng trở nên phức tạp, khó điều trị hơn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *