Polyp trực tràng có nguy hiểm không?
Tư Vấn Bởi Bác sĩ nội tiêu hóa – Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Chào bác sĩ,
Hôm nay, em có đi khám bệnh và phát hiện có 1 khối polyp 0.3 cm lành tính ở trực tràng. Bác sĩ có nhắc em 6 tháng sau khám lại, nếu khối polyp to hơn thì tiến hành cắt bỏ. Bác sĩ cho em hỏi, polyp trực tràng có nguy hiểm không?
Khách hàng ẩn danh
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Bác sĩ nội tiêu hóa – Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Với câu hỏi “Polyp trực tràng có nguy hiểm không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Polyp trực tràng được định nghĩa là những khối u lồi vào bên trong lòng của trực tràng, những khối u này được hình thành do sự tăng sinh quá mức của niêm mạc trực tràng. Đây là sự phì đại của biểu mô tuyến quanh một trục liên kết mạch ở trực tràng. Polyp 0.3 cm ở trực tràng là polyp nhỏ, khi nội soi bác sĩ tư vấn lành tính, chưa cần phải cắt thì khả năng là Polyp tăng sản. Polyp tăng sản thường có kích thước nhỏ, hay gặp ở đoạn cuối của đại tràng: Trực tràng và đại tràng Sigma và rất ít khi trở thành ác tính. Ngoài ra, polyp trong trường hợp của bạn không gây ảnh hưởng tới cơ thể và không cần phải can thiệp. Bạn không cần lo lắng trong trường hợp này.
Tuy nhiên, để giúp bạn có thêm thông tin tham khảo, ngoài việc giải đáp polyp trực tràng có nguy hiểm không, dưới đây là phần giải đáp về polyp trực tràng là gì cũng như nguyên nhân dẫn đến polyp trực tràng và biện pháp phòng ngừa bệnh.
1.Polyp trực tràng là gì?
Trực tràng là đoạn cuối của hệ tiêu hóa, nằm giữa đại tràng và ống hậu môn, giữ vai trò quan trọng trong việc vận chuyển và đào thải chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Polyp trực tràng là tình trạng xuất hiện một hoặc nhiều khối u nhỏ bên trong lòng trực tràng, thường nằm ở phần cuối ruột già. Các khối polyp thường có hình dạng giống cây nấm và bám vào lớp niêm mạc trực tràng qua một đoạn cuống.
Polyp đại trực tràng nói chung được phân thành hai dạng chính:
- Polyp có cuống
- Polyp không cuống (polyp phẳng)
Mỗi dạng có đặc điểm và mức độ nguy hiểm khác nhau, đặc biệt là khả năng tiến triển thành ung thư. Các loại polyp thường gặp bao gồm:
1.1 U tuyến ống
- Là loại polyp phổ biến nhất, chiếm khoảng 70% trường hợp.
- Cấu trúc tế bào vẫn giữ được hình dạng bình thường dạng ống.
- Mặc dù ít nguy hiểm, u tuyến ống vẫn cần được theo dõi do nguy cơ ung thư hóa khi kích thước lớn.
1.2 Polyp tăng sản
- Thuộc nhóm polyp không phải dạng tuyến, thường có kích thước nhỏ và ít nguy cơ chuyển thành ung thư.
- Người bệnh thường không cần quá lo lắng khi phát hiện loại polyp này, nhưng vẫn nên kiểm tra định kỳ để theo dõi.
1.3. Polyp răng cưa
- Là loại polyp nhỏ (thường dưới 5 mm), hình tròn và không có cuống, khó phát hiện qua thăm khám thông thường.
- Đây là dạng polyp u tuyến nguy hiểm, được coi là tiền ung thư.
- Nguy cơ ác tính phụ thuộc vào kích thước, mô bệnh học và mức độ bất thường của tế bào tại thời điểm phát hiện.
1.4 Polyp viêm
- Thường xuất hiện ở những bệnh nhân bị viêm ruột mạn tính, chẳng hạn như viêm đại tràng thể loét hoặc bệnh Crohn.
- Đây không phải là một loại polyp thật sự, mà là phản ứng của niêm mạc với tình trạng viêm kéo dài.
1.5 U tuyến ống nhánh
- Chiếm khoảng 5-15% trường hợp. Đây là sự kết hợp giữa u tuyến ống và u tuyến nhánh.
- Polyp này có kích thước thay đổi, có thể có cuống hoặc không và có nguy cơ ung thư hóa thấp.
Polyp trực tràng có nguy hiểm không là thắc mắc chung của nhiều người.
Tùy thuộc vào loại polyp, kích thước và tính chất bệnh lý là yếu tố góp phần xác định polyp trực tràng có nguy hiểm không vì các khối polyp có nguy cơ tiến triển thành ung thư ở mức độ khác nhau. Việc phát hiện và can thiệp sớm đóng vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư đại trực tràng. Người bệnh nên thực hiện nội soi định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt khi có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình hoặc viêm đại tràng mãn tính.
2.Nguyên nhân gây polyp trực tràng và Polyp trực tràng có nguy hiểm không?
Polyp trực tràng là sự hình thành của các khối mô bất thường trên bề mặt niêm mạc đại trực tràng. Quá trình này xảy ra do sự tăng sinh quá mức hoặc bất thường của tế bào niêm mạc. Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể dẫn đến sự hình thành polyp trực tràng hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Polyp trực tràng có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, hầu hết các polyp trực tràng đều lành tính và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, theo thời gian, một số loại polyp có thể phát triển thành ung thư đại trực tràng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong khi bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.
3. Các biện pháp phòng ngừa polyp trực tràng và Polyp trực tràng có nguy hiểm không?
Ngoài thắc mắc polyp trực tràng có nguy hiểm không, các biện pháp phòng ngừa bệnh cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Để giảm nguy cơ hình thành polyp trực tràng và ngăn ngừa bệnh tiến triển, việc duy trì lối sống lành mạnh và kiểm tra sức khỏe định kỳ là rất quan trọng. Những biện pháp sau đây có thể giúp bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe toàn diện:
3.1 Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
- Tăng cường bổ sung chất xơ từ rau xanh, trái cây tươi và các loại hạt trong bữa ăn hàng ngày.
- Hạn chế tiêu thụ bia rượu, thuốc lá và thực phẩm giàu chất béo bão hòa.
3.2 Bổ sung dưỡng chất cần thiết
Cân nhắc bổ sung vitamin D và canxi theo hướng dẫn của bác sĩ để hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa và giảm nguy cơ hình thành polyp.
3.3 Rèn luyện thể chất
Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức khỏe toàn diện và cải thiện chức năng tiêu hóa.
3.4 Giữ tinh thần thoải mái
Tránh căng thẳng, áp lực trong thời gian dài bằng cách thực hành các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga hoặc giải trí lành mạnh.
3.5 Duy trì giờ giấc sinh hoạt khoa học
Thói quen ăn uống và nghỉ ngơi đúng giờ giúp hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hóa.
3.6 Chủ động đi khám định kỳ
Đặc biệt cần thực hiện nội soi và kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư đại trực tràng nếu trong gia đình có tiền sử mắc polyp trực tràng hoặc ung thư đại trực tràng.
Việc tầm soát định kỳ và duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ hình thành polyp và ngăn ngừa tiến triển thành ung thư.
Ngoài ra, một số loại thuốc như aspirin hoặc thuốc ức chế COX-2 có thể được sử dụng để giảm nguy cơ hình thành polyp mới ở những người đã từng mắc bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ để tránh lạm dụng, có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn.
Nếu bạn còn thắc mắc về polyp trực tràng, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Leave a Reply