Gãy xương là tình trạng có khả năng tự hồi phục, đặc biệt là ở trẻ em. Quá trình hình thành xương mới bắt đầu diễn ra chỉ sau vài tuần kể từ khi bị chấn thương nhưng thời gian để xương gãy bình phục hoàn toàn lành có thể kéo dài hơn. Việc hiểu rõ các giai đoạn hồi phục hay gãy xương bao lâu thì lành giúp ta có thể điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp với từng giai đoạn.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Dương Minh Tân – Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình – Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
1. Tổng quan về bệnh gãy xương
Gãy xương là tình trạng tổn thương cấu trúc của xương, có thể được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau nhằm giúp xác định và định hướng điều trị phù hợp. Có nhiều cách để phân loại tình trạng gãy xương như phân loại theo tính chất thương tổn phần mềm thành gãy xương kín, gãy xương hở hoặc phân loại theo đặc điểm ổ gãy. Các phân loại phổ biến bao gồm:
- Gãy xương không hoàn toàn: Xương chỉ bị tổn thương một phần, vẫn còn tính liên tục.
- Gãy xương hoàn toàn: Xương gãy mất hoàn toàn tính liên tục.
- Gãy đầu xương: Gãy xảy ra ở vùng đầu xương. Nếu đường gãy thông vào khớp thì gọi là gãy xương phạm khớp; nếu không thông vào khớp thì là gãy xương không phạm khớp.
- Gãy chỗ tiếp giáp giữa đầu xương và thân xương.
- Gãy thân xương.
- Gãy xương có di lệch: Các mảnh xương bị dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu.
- Gãy xương không di lệch: Các mảnh xương vẫn giữ nguyên vị trí.
- Phân loại theo hướng đường gãy bao gồm: Gãy ngang, gãy chéo, gãy xoắn, hoặc gãy cắm gân (đường gãy khác nhau về hướng và hình dạng).
2. 4 giai đoạn liền xương
Sau khi bị gãy xương, tại vị trí chấn thương sẽ diễn ra một chuỗi quá trình phức tạp, nối tiếp và chồng chéo lên nhau. Nhìn chung, quá trình lành xương được chia thành bốn giai đoạn chính, mỗi giai đoạn có sự tương tác và liên hệ nối tiếp tự nhiên với nhau.
2.1 Giai đoạn hình thành máu tụ (ngày 1 – ngày 5)
Ngay khi xương bị gãy, các mạch máu tại xương và màng xương bị tổn thương, dẫn đến hiện tượng tụ máu quanh vùng gãy. Máu tụ này sẽ dần đông lại, tạo nên một khung đỡ tạm thời để hỗ trợ quá trình phục hồi tiếp theo. Đồng thời, các tế bào bạch cầu tại chỗ sẽ tiết ra các chất hóa học, kích thích quá trình chữa lành và chuẩn bị cho các giai đoạn hồi phục kế tiếp.
2.2 Giai đoạn hình thành mô sẹo sợi sụn (ngày 5 – ngày 11)
Các chất hóa học tiếp tục kích thích sự phát triển của mạng lưới mao mạch xung quanh vị trí gãy, giúp cung cấp máu và dưỡng chất. Trong khối máu tụ, mô hạt giàu fibrin cũng bắt đầu phát triển, đồng thời các tế bào gốc trung mô sẽ dần biệt hóa thành nguyên bào sợi, nguyên bào sụn và nguyên bào xương. Từ đó, màng xương sơ khai bắt đầu hình thành và lan rộng, tạo nền tảng cho sự phục hồi hoàn thiện.
2.3 Giai đoạn hình thành mô sẹo xương (ngày 11 – ngày 28)
Khi mô sụn đã hình thành tại vị trí gãy, các tế bào trong đó sẽ tiếp tục biệt hóa mạnh hơn, bao gồm các nguyên bào sụn, nguyên bào xương và các tế bào hủy xương. Quá trình này giúp mô sẹo sụn dần được tái hấp thụ và chuyển hóa thành mô xương cứng chắc thông qua quá trình vôi hóa. Từ đây, xương mới bắt đầu có sự vững chắc, từng bước trưởng thành hơn.
2.4 Giai đoạn tái cấu trúc xương (bắt đầu từ ngày 18 và kéo dài từ vài tháng đến vài năm)
Trong giai đoạn này, dưới tác động của các nguyên bào xương và tế bào hủy cốt bào, lớp xương cứng sẽ trải qua quá trình tái cấu trúc và điều chỉnh liên tục để đạt độ hoàn thiện tối ưu. Phần trung tâm của mô xương sẽ dần trở thành xương đặc chắc, trong khi các lớp xung quanh được thay thế bằng xương phiến nhằm đảm bảo tính linh hoạt và ổn định lâu dài của cấu trúc xương.
4 giai đoạn liền xương
3. Quá trình lành xương sau khi bị gãy diễn ra như thế nào?
Mọi trường hợp gãy xương đều tuân theo một quá trình lành tự nhiên giống nhau, dù là do chấn thương hay phẫu thuật cắt bỏ xương. Quá trình này bắt đầu bằng việc các nguyên bào sợi, nguyên bào sụn và nguyên bào xương được hình thành tại vị trí gãy. Những phản ứng sinh học này không xảy ra đồng thời mà đan xen, hỗ trợ lẫn nhau để phục hồi cấu trúc xương.
Sự ổn định và vững chắc của xương vẫn được đảm bảo nhờ vào quá trình tái cấu trúc kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm sau đó. Trong giai đoạn này, các yếu tố sinh học tại chỗ kích thích tạo mạch, cải thiện lưu thông máu, và cung cấp dinh dưỡng cho vùng tổn thương, giúp thúc đẩy quá trình hồi phục.
Khi màng xương mới đã hình thành và có thể nhìn thấy trên hình ảnh X-quang tức là quá trình liền xương đang tiến triển một cách tương đối đầy đủ , người bệnh thường được khuyến khích bắt đầu các hoạt động nhẹ nhàng như đứng lên ngồi xuống hoặc đi bộ, nhằm thúc đẩy tái tạo xương và tăng cường sự bền vững của xương.
Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi. Việc bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D là vô cùng quan trọng nhằm hỗ trợ, giúp xương trở nên chắc khỏe, rút ngắn thời gian lành xương một cách hiệu quả. Vậy, gãy xương bao lâu thì lành
Khi quá trình liền xương đã diễn ra tương đối bạn có thể đi bộ nhằm tăng cường thêm cho quá trình tái tạo xương trở nên hiệu quả hơn.
4. Gãy xương bao lâu thì lành
Ngoài hiểu rõ các giai đoạn và quá trình lành xương, gãy xương bao lâu thì lành cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Thông thường, xương mất khoảng từ 6 đến 12 tuần để lành lại đến mức độ ổn định, có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, quá trình lành xương ở trẻ em thường nhanh hơn so với người lớn. Thời gian này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí gãy, loại gãy, phương pháp điều trị và chỉnh hình, cũng như chức năng chịu tải và vận động của xương trong cơ thể.
gãy xương bao lâu thì lành là thắc mắc chung của nhiều người.
Trong các lần tái khám, bác sĩ chấn thương chỉnh hình sẽ đánh giá tiến trình liền xương và xác định gãy xương bao lâu thì lành, thời điểm xương có thể chịu lực hoặc bệnh nhân có thể hoạt động bình thường trở lại, đảm bảo quá trình phục hồi tiến triển và đạt hiệu quả tốt nhất.
5. Yếu tố thúc đẩy quá trình liền xương
Khi gãy xương được cạn thiệp biện pháp phẫu thuật xử lý, có thể áp dụng một số biện pháp trước và sau phẫu thuật để tối ưu hóa quá trình hồi phục. Bác sĩ sẽ tư vấn về chế độ ăn uống và bổ sung dinh dưỡng phù hợp để hỗ trợ quá trình phát triển xương mới. Đặc biệt, ngưng hút thuốc lá và kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường là rất quan trọng, vì các chất hóa học trong khói thuốc lá và mức glucose cao có thể cản trở khả năng liền xương.
Ngoài ra, với tất cả bệnh nhân bị gãy xương, việc cố định chân và giữ cho bất động là một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị và ảnh hưởng đến việc gãy xương bao lâu thì lành . Bất kỳ chuyển động nào có thể gây dịch chuyển các mảnh xương mới hình thành, làm chậm lại quá trình liền xương và ảnh hưởng đến hiệu quả hồi phục.
Dựa vào loại gãy xương hoặc quy trình phẫu thuật, bác sĩ chỉnh hình có thể sử dụng các phương pháp cố định như vít, đĩa hoặc dây cáp để giữ ổn định vị trí gãy. Đồng thời, việc cố định ngoài như bó bột hoặc nẹp cứng cũng được áp dụng nhằm đảm bảo hai đầu xương gãy không dịch chuyển, hỗ trợ bệnh nhân trong sinh hoạt hằng ngày mà vẫn bảo vệ vùng xương đang phục hồi.
Người bệnh nên bỏ thuốc lá vì các chất hóa học trong khói thuốc lá sẽ gây cản trở quá trình liền xương và ảnh hưởng trực tiếp đến việc gãy xương bao lâu thì lành.
Khi xương đã lành đủ, các bài tập vật lý trị liệu đóng vai trò thiết yếu trong việc phục hồi chức năng xương. Một chương trình tập luyện phù hợp sẽ được thiết kế nhằm giúp bệnh nhân lấy lại sức mạnh, thăng bằng và khôi phục cử động linh hoạt trong giới hạn an toàn, hỗ trợ hoàn thiện quá trình phục hồi xương.
6. Những yếu tố có thể gây cản trở quá trình lành xương
Nhiều yếu tố có thể làm chậm quá trình liền xương và gãy xương bao lâu thì lành, nếu không được kiểm soát thích hợp sẽ khiến xương lâu lành, thậm chí gây lệch xương nghiêm trọng và mất chức năng tại chỗ. Các yếu tố bao gồm:
- Di lệch các mảnh xương do thiếu bất động hoặc bất động không đủ hiệu quả, hoặc di chuyển quá sớm.
- Hút thuốc lá, gây co thắt mạch máu và giảm lưu thông máu đến vùng gãy.
- Bệnh đái tháo đường.
- Sử dụng một số loại thuốc như corticosteroid và các thuốc ức chế miễn dịch.
- Gãy xương phức tạp hoặc chấn thương xương nghiêm trọng.
- Nhiễm trùng tại vị trí gãy xương.
- Tuổi cao.
- Dinh dưỡng kém hoặc gặp vấn đề trong hấp thu chất dinh dưỡng.
- Hàm lượng canxi và vitamin D trong máu thấp.
Việc sử dụng thuốc corticosteroid có thể ảnh hưởng gãy xương bao lâu thì lành và gây cản trở quá trình lành xương
Các yếu tố này cần được theo dõi và có biện pháp kiểm soát thích hợp để hỗ trợ cũng như không cản trở quá trình liền xương diễn ra thuận lợi.
7. Hướng xử lý khi xương chậm lành
Nếu vị trí gãy xương không lành như mong đợi hoặc không có dấu hiệu phục hồi, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình có thể áp dụng các phương pháp điều trị bổ trợ để thúc đẩy quá trình liền xương. Các phương pháp bao gồm kéo dài thời gian bất động, kích thích tăng trưởng xương, phẫu thuật ghép xương, hoặc sử dụng các protein thúc đẩy phát triển xương.
Phẫu thuật ghép xương có thể được chỉ định thực hiện khi xương chậm lành.
Tóm lại, gãy xương là chấn thương phổ biến trong cuộc sống hằng ngày và công việc. Hầu hết các trường hợp gãy xương có thể tự lành lại. Tuy nhiên, việc nắm rõ các giai đoạn liền xương, gãy xương bao lâu thì lành và các yếu tố ảnh hưởng giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn, hỗ trợ người bệnh sớm trở lại các hoạt động thường ngày với chức năng xương phục hồi hoàn chỉnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Leave a Reply