Triệu chứng bệnh Gout sớm mà người bệnh cần biết
Triệu chứng bệnh Gout sớm là những dấu hiệu ban đầu mà người bệnh có thể nhận biết để phát hiện và điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường không rõ ràng khiến nhiều người thường bỏ qua hay dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, dẫn đến việc chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BS Đỗ Văn Cường, Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Các triệu chứng bệnh Gout sớm cần lưu ý
Bệnh Gout là một dạng viêm khớp do sự tích tụ quá mức axit uric trong máu, thường khó nhận biết ở giai đoạn đầu do các triệu chứng dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Khi nồng độ axit uric trong máu tăng cao, các tinh thể urat nhỏ hình thành và lắng đọng trong khớp, gây nên các cơn đau và tình trạng viêm.
Triệu chứng sớm đặc trưng nhất của bệnh Gout là cơn đau tại khớp ngón chân cái, tuy nhiên, cơn đau cũng có thể lan sang các khớp khác như mắt cá chân, đầu gối hoặc cổ tay. Các triệu chứng này thường bùng phát sau một số yếu tố kích hoạt, chẳng hạn như chấn thương, phẫu thuật, hoặc sau một đợt bệnh lý.
Một số triệu chứng bệnh Gout sớm bao gồm:
- Đau khớp dữ dội: Các cơn đau thường bắt đầu tại ngón chân cái và có thể lan đến các khớp khác như mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay hoặc cổ tay. Cơn đau thường xảy ra đột ngột, đặc biệt vào ban đêm.
- Đau kéo dài: Sau khi cơn đau dữ dội giảm, các khớp vẫn có cảm giác đau âm ỉ, kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Đây là một trong những triệu chứng bệnh Gout sớm.
- Sưng, đỏ và viêm: Các khớp bị ảnh hưởng trở nên sưng, đỏ và có cảm giác ấm nóng tại vùng bị ảnh hưởng.
- Giảm phạm vi cử động: Giảm biên độ cử động là một trong những triệu chứng bệnh Gout sớm. Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc cử động các khớp bị tổn thương, đặc biệt khi bệnh tiến triển.
Các khớp bị đau, đặc biệt là khớp ngón chân cái có thể là triệu chứng bệnh Gout sớm.
Thông thường, bệnh Gout chỉ ảnh hưởng đến một khớp tại một thời điểm. Tuy nhiên, nếu không phát hiện những triệu chứng bệnh Gout sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển, gây tổn thương nhiều khớp khác và dẫn đến các cơn đau tái phát thường xuyên hơn. Vì vậy, việc nhận biết các triệu chứng sớm của bệnh Gout là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
2. Các giai đoạn tiến triển của bệnh Gout
2.1. Giai đoạn 1
Trong giai đoạn này, nồng độ acid uric trong máu của người bệnh tăng cao nhưng chưa vượt ngưỡng gây hình thành tinh thể urat tại khớp và chưa xuất hiện viêm khớp. Vì vậy, bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào.
Phần lớn người bệnh ở giai đoạn này không cần điều trị bằng thuốc, mà chỉ cần thay đổi lối sống và kiểm soát các yếu tố nguy cơ để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
2.2. Giai đoạn 2
Ở giai đoạn này, các triệu chứng bệnh bắt đầu biểu hiện rõ ràng hơn. Các tinh thể urat lắng đọng tại khớp gây viêm cấp tính, dẫn đến các cơn đau khớp dữ dội kèm sưng, đỏ và khó chịu.
Thông thường, các cơn đau này kéo dài từ 3 – 10 ngày và giảm dần sau đó. Tuy nhiên, các yếu tố như sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, căng thẳng hoặc thời tiết lạnh có thể làm cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn. Việc điều trị ở giai đoạn này giúp giảm viêm và ngăn ngừa tái phát.
2.3. Giai đoạn 3
Khi bệnh không được kiểm soát tốt, các đợt viêm khớp cấp xuất hiện ngày càng thường xuyên và khoảng cách giữa các đợt ngắn lại. Tinh thể urat tiếp tục lắng đọng trong mô xung quanh khớp, dẫn đến tổn thương khớp lâu dài và làm giảm khả năng vận động.
2.4. Giai đoạn 4
Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh Gout, khi các hạt tophi hình thành rõ rệt quanh khớp, dưới da, và thậm chí tại các cơ quan nội tạng. Lúc này, các khớp như ngón chân, cổ chân, ngón tay, và nhiều khớp khác trong cơ thể đều có thể bị viêm.
Ngoài ra, thận cũng có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến các biến chứng không thể phục hồi. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh Gout giai đoạn này gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe toàn thân và khả năng vận động, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Việc phát hiện những triệu chứng bệnh Gout sớm và điều trị khi bệnh còn ở các giai đoạn đầu là vô cùng quan trọng để giảm thiểu biến chứng cũng như bảo vệ sức khỏe xương khớp lâu dài.
3. Nguyên nhân gây bệnh và hậu quả của việc phát hiện bệnh Gout muộn
Việc không nhận biết sớm các triệu chứng bệnh Gout sớm có thể dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng. Khi bệnh tiến triển, các hạt tophi – sự tích tụ tinh thể urat – bắt đầu hình thành. Các hạt này thường xuất hiện dưới da hoặc quanh các khớp như ngón tay, bàn tay, bàn chân. Mặc dù ban đầu hạt tophi không gây đau, nhưng khi bệnh trở nặng, những hạt này có thể sưng viêm và gây đau đớn, ảnh hưởng đến chức năng vận động.
Nếu không được phát hiện sớm, các triệu chứng gout có thể trở nên trầm trọng hơn.
Bệnh Gout phổ biến hơn ở nam giới, ít gặp ở phụ nữ và trẻ em, và có tính chất di truyền trong gia đình. Một số yếu tố nguy cơ khiến người bệnh dễ mắc bệnh Gout bao gồm:
- Thừa cân
- Chế độ ăn uống không lành mạnh: Tiêu thủ quá nhiều thực phẩm giàu purin như cá biển, măng tây, đậu khô, gan, nội tạng động vật, hoặc uống bia và các loại đồ uống có cồn.
- Sử dụng đồ uống có cồn quá mức: Đặc biệt là bia và rượu, làm giảm khả năng bài tiết axit uric của cơ thể.
- Sử dụng một số loại thuốc
Phát hiện bệnh muộn không chỉ làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng, mà còn khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn. Việc nhận biết triệu chứng bệnh Gout sớm và kiểm soát tốt bệnh Gout đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
4. Khi nào cần liên hệ với bác sĩ?
Các cơn đau do bệnh Gout cấp thường kéo dài từ 3 đến 10 ngày và phát hiện triệu chứng bệnh Gout sớm để có hướng điều trị kịp thời có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng cũng như ngăn ngừa biến chứng. Nếu nghi ngờ mắc bệnh Gout, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm nhằm xác định chính xác tình trạng bệnh hoặc loại trừ các bệnh lý có triệu chứng tương tự.
Những phương pháp xét nghiệm thường được sử dụng bao gồm:
- Kiểm tra dịch khớp: Bác sĩ sẽ sử dụng kim lấy mẫu chất lỏng từ khớp bị đau. Mẫu dịch này sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để phát hiện sự hiện diện của các tinh thể urat – dấu hiệu đặc trưng của bệnh Gout.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này giúp đo nồng độ axit uric trong máu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mức axit uric cao không luôn đồng nghĩa với việc mắc bệnh Gout, và bác sĩ sẽ kết hợp các yếu tố khác để đưa ra chẩn đoán.
- Chụp X-quang: Hình ảnh từ chụp X-quang giúp loại trừ các bệnh lý khác có thể gây đau khớp, đảm bảo độ chính xác trong chẩn đoán.
- Siêu âm: Phương pháp này sử dụng sóng âm để phát hiện các khu vực lắng đọng axit uric trong khớp, hỗ trợ xác định các triệu chứng bệnh Gout sớm.
Việc chủ động đi khám và thực hiện các xét nghiệm không chỉ giúp người bệnh phát hiện triệu chứng bệnh Gout sớm, kiểm soát bệnh tốt hơn mà còn giảm nguy cơ các cơn đau tái phát và tổn thương khớp lâu dài.
5. Các bệnh lý có triệu chứng giống với bệnh Gout
Một số bệnh lý có các triệu chứng đau và sưng đỏ tương tự như bệnh Gout, khiến việc chẩn đoán đôi khi trở nên khó khăn. Dưới đây là các bệnh thường bị nhầm lẫn với bệnh Gout:
- Bệnh giả Gout: Đây là một dạng viêm khớp do sự tích tụ của các tinh thể canxi pyrophosphate trong khớp, khác với tinh thể urat trong bệnh Gout. Bệnh giả Gout có các triệu chứng tương tự như Gout, bao gồm cơn đau khởi phát đột ngột, sưng, nóng đỏ và cứng khớp.
- Viêm khớp phản ứng: Đây là một loại viêm khớp do nhiễm trùng, với các biểu hiện lâm sàng có thể giống triệu chứng của gout.
- Viêm khớp vẩy nến và viêm khớp nhiễm trùng: Các bệnh lý này cũng gây ra tình trạng đau, sưng và nóng khớp tương tự gout nhưng nguyên nhân hoàn toàn khác biệt.
Để phân biệt chính xác giữa triệu chứng bệnh Gout sớm và các bệnh lý có triệu chứng tương tự, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
6. Cách phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh Gout
Bệnh Gout có thể được kiểm soát hiệu quả thông qua việc sử dụng thuốc và điều chỉnh lối sống. Để giảm đau khi xuất hiện các cơn Gout cấp, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp như:
- Chườm đá lên vùng khớp bị đau để giảm viêm.
- Kê cao các khớp bị ảnh hưởng nhằm giảm sưng.
- Nghỉ ngơi để hạn chế áp lực lên khớp.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen, theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài việc kiểm soát cơn đau, phòng ngừa bệnh Gout sớm cũng rất quan trọng để ngăn chặn bệnh tiến triển. Những người chưa mắc bệnh có thể áp dụng các biện pháp sau để giảm nguy cơ:
- Duy trì lối sống lành mạnh: Tập thể dục thường xuyên và xây dựng chế độ ăn uống cân đối giúp kiểm soát cân nặng hiệu quả, giảm nguy cơ phát triển bệnh.
- Uống đủ nước: Nước giúp đào thải axit uric ra khỏi cơ thể, ngăn ngừa sự tích tụ tinh thể urat trong khớp.
- Tránh đồ uống có đường: Hạn chế nước ngọt hoặc các loại đồ uống chứa nhiều đường để giảm nguy cơ tăng axit uric.
- Hạn chế rượu bia: Đặc biệt là bia, vì chúng làm tăng đáng kể nồng độ axit uric.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, hải sản và các thực phẩm giàu purin. Thay vào đó, ưu tiên bổ sung protein từ các sản phẩm sữa ít béo như sữa tươi, sữa chua, hoặc phô mai.
- Sử dụng thuốc giảm axit uric: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc để giảm nồng độ axit uric trong máu, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
Tập thể dục là một cách tốt để cải thiện sức khỏe cơ thể và phòng tránh bệnh Gout.
Nhận biết được các triệu chứng bệnh Gout sớm giúp người bệnh có cơ hội điều trị kịp thời, từ đó ngăn ngừa các cơn đau tái phát trong tương lai. Quan trọng hơn, việc chủ động đi khám bác sĩ chuyên khoa để xác định chính xác nguyên nhân chính xác của các triệu chứng là bước cần thiết và quan trọng trong quá trình chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Leave a Reply