Các loại polyp đại trực tràng thường gặp cần biết
Các loại polyp đại trực tràng là sự tăng sinh bất thường của lớp niêm mạc, thường xảy ra trong lòng ruột. Polyp có thể hình thành ở nhiều cơ quan khác trong cơ thể như đường tiêu hóa, tử cung, bàng quang, mũi, hoặc vùng cơ quan sinh dục. Đặc biệt, một số loại polyp đại trực tràng có nguy cơ tiến triển thành ung thư.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Văn Quân – Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê – Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
1. Polyp đại tràng là gì?
Polyp đại tràng là thuật ngữ chuyên ngành y khoa dùng để chỉ các khối tổ chức tân sinh được hình thành do sự tăng sinh bất thường của niêm mạc hay việc hình thành khối u và tồn tại bên trong lòng đại tràng. Phần lớn các polyp này là lành tính, tuy nhiên, một số trường hợp có thể trở thành ác tính hoặc tiến triển thành ung thư nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Polyp đại tràng được phân thành các loại polyp đại trực tràng, trong đó chủ yếu là polyp có cuống và polyp không cuống, dựa trên hình thái cấu trúc của chúng. Việc nhận diện các loại polyp đại trực tràng giúp bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Ngoài ra, polyp đại tràng cũng được phân loại theo số lượng và kích thước. Một số bệnh nhân có thể chỉ có một polyp nhỏ, trong khi những người khác có nhiều polyp hoặc các polyp phát triển kích thước lớn nếu để lâu ngày mà không được xử lý. Việc đánh giá đầy đủ tình trạng của polyp là yếu tố quan trọng để đưa ra hướng điều trị hiệu quả.
2. Những ai có nguy cơ mắc polyp đại trực tràng?
Polyp trực tràng có thể phát triển ở nhiều đối tượng khác nhau, nhưng một số yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu bản thân hoặc người thân thuộc một hoặc nhiều nhóm nguy cơ dưới đây, cần đặc biệt chú ý và chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ:
- Người trên 50 tuổi.
- Người thừa cân hoặc béo phì.
- Có tiền sử gia đình mắc polyp hoặc ung thư đại trực tràng.
- Đã từng được chẩn đoán polyp trong quá khứ.
- Phụ nữ bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư tử cung trước tuổi 50.
- Người mắc các bệnh viêm đại tràng, chẳng hạn như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng.
- Người mắc bệnh tiểu đường.
- Có rối loạn di truyền như hội chứng Lynch hoặc hội chứng Gardner.
Ngoài các yếu tố trên, một số thói quen và lối sống không lành mạnh có thể thúc đẩy sự phát triển của polyp trực tràng, bao gồm:
- Hút thuốc lá.
- Thường xuyên sử dụng rượu bia.
- Lối sống ít vận động.
- Chế độ ăn uống không cân đối, tiêu thụ nhiều chất béo, dầu mỡ và ít chất xơ.
Việc nhận diện các yếu tố nguy cơ và điều chỉnh lối sống là cần thiết để giảm thiểu nguy cơ mắc polyp trực tràng và bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa.
3. Polyp đại tràng không cuống
Polyp đại tràng không cuống là một trong các loại polyp đại trực tràng, đồng thời cũng là một dạng đặc biệt của polyp đại tràng, được xác định qua phương pháp nội soi. Việc phân biệt giữa polyp có cuống và không cuống đòi hỏi sự đánh giá chính xác từ các bác sĩ chuyên khoa, dựa trên hình ảnh và đặc điểm quan sát được.
Một số đặc điểm điển hình của polyp đại tràng không cuống:
- Kích thước nhỏ: Thường có đường kính dưới 5mm, các khối polyp này không có cuống và xuất hiện như một phần mô tăng sinh dính sát vào thành đại tràng.
- Màu sắc: So với niêm mạc xung quanh, polyp không cuống có màu nhạt hơn, giúp nhận diện dễ dàng khi nội soi.
- Chân rộng: Phần chân bám của polyp không cuống rộng hơn so với polyp có cuống.
- Nguy cơ tiến triển thành ác tính cao hơn: Polyp đại tràng không cuống có khả năng chuyển biến từ lành tính sang ác tính cao hơn. Vì vậy, khi được chẩn đoán là polyp không cuống, người bệnh cần đặc biệt lưu ý theo dõi và tuân thủ chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa nguy cơ biến chứng.
Polyp đại tràng không cuống là một trong các loại polyp đại trực tràng.
4. Polyp đại tràng có cuống
Polyp đại tràng có cuống là loại polyp dễ nhận biết qua nội soi với đặc điểm nổi bật là có cuống dài. Khác với polyp không cuống, phần chân của polyp có cuống thường nhỏ và kéo dài, thậm chí trong một số trường hợp, cuống có thể rất dài và ngoằn ngoèo.
4.1 Polyp đại tràng có cuống có nguy hiểm không
So với polyp không cuống, polyp có cuống có khả năng chuyển biến từ lành tính sang ác tính thấp hơn. Tuy nhiên, nguy cơ này không phải bằng không, vì vậy người bệnh vẫn cần được theo dõi định kỳ và thận trọng trong quá trình điều trị.
4.2 Đặc điểm chung giữa polyp đại tràng có cuống polyp đại tràng không cuống
Dù là polyp có cuống hay không cuống, phần lớn các khối polyp đại tràng đều lành tính. Trong trường hợp lành tính, các khối u có thể tồn tại nhiều năm mà không gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe. Tuy nhiên, người bệnh cần thường xuyên kiểm tra tại bệnh viện để theo dõi sự phát triển của các polyp này, đồng thời phát hiện sớm khả năng xuất hiện thêm các polyp mới hoặc sự thay đổi bất thường.
5. Các loại polyp đại trực tràng
Polyp trực tràng là sự tăng sinh bất thường của lớp niêm mạc trực tràng hoặc đường tiêu hóa, dẫn đến hình thành các khối u trên bề mặt. Bệnh thường tiến triển âm thầm, khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác như đau bụng, tiêu chảy, đi ngoài phân lẫn máu,… Polyp trực tràng có thể khác nhau về kích thước và số lượng, tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi người bệnh.
Polyp trực tràng được biểu hiện bởi sự tăng trưởng xuất hiện khối u trên bề mặt niêm mạc trực tràng.
Dựa trên tính chất, polyp trực tràng được chia thành 3 loại chính:
- Polyp tăng sản :Đây là loại polyp lành tính, không gây hại và không có khả năng tiến triển thành ung thư.
- Polyp tuyến (adenomatous): Loại polyp này phổ biến hơn và mặc dù đa số không phát triển thành ung thư trực tràng, nhưng có nguy cơ cao hơn chuyển hóa thành ung thư ruột kết nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
- Polyp ác tính: Là loại polyp chứa các tế bào ung thư, được xác định qua quan sát dưới kính hiển vi. Đây là loại nguy hiểm nhất và cần can thiệp y khoa ngay lập tức để điều trị.
Việc phân loại chính xác và theo dõi các loại polyp đại trực tràng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị sớm ung thư đường tiêu hóa.
Mặc dù polyp trực tràng thường không phải là bệnh lý nghiêm trọng gây nguy hiểm, những người bệnh vẫn không nên chủ quan. Nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường ở đường tiêu hóa, cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cụ thể. Đối với những trường hợp lo ngại về khả năng polyp trực tràng phát triển hoặc biến chứng trong tương lai, việc thực hiện các phương pháp sàng lọc định kỳ giúp xác định chính xác các loại polyp đại trực tràng, tối thiểu mỗi năm một lần, là cần thiết để đảm bảo phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Leave a Reply