Viêm quanh khớp vai thể tắc nghẽn là một bệnh lý thường gặp ở khớp vai, bệnh không trực tiếp gây đe dọa đến tính mạng nhưng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ dẫn đến các di chứng lâu dài, gây hạn chế vận động và đau đớn kéo dài cho người bệnh.
Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Thu Hương – Trưởng Đơn nguyên phục hồi chức năng – Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
1.Viêm quanh khớp vai là bệnh gì?
Viêm quanh khớp vai thể tắc nghẽn là một tình trạng bệnh lý gây đau và hạn chế vận động khớp vai do tổn thương các cấu trúc phần mềm xung quanh khớp, bao gồm gân, cơ, dây chằng và bao khớp. Mặc dù bệnh không đe dọa trực tiếp đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các di chứng nặng nề như teo cơ, giảm trương lực cơ, hạn chế cử động khớp vai và bàn tay, đứt gân cơ, thậm chí làm mất chức năng của tay bên bị tổn thương.
Nguyên nhân gây bệnh có thể xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm:
- Chấn thương: Do các tai nạn trong sinh hoạt hoặc lao động, nghề nghiệp.
- Hoạt động quá mức: Do vận động mạnh, kéo giãn hoặc xoay khớp vai đột ngột, quá sức.
- Bệnh lý liên quan: Người bệnh có nguy cơ mắc viêm quanh khớp vai thể tắc nghẽn nếu mắc một số bệnh lý khác như thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cổ hoặc các bệnh lý ở phổi, màng phổi và trung thất.
Tình trạng khớp vai bị đông cứng.
Việc nhận biết sớm và điều trị đúng cách là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng, giúp phục hồi chức năng khớp vai và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2. Triệu chứng viêm quanh khớp vai thể tắc nghẽn.
Triệu chứng của viêm quanh khớp vai thể tắc nghẽn thường diễn tiến qua 3 giai đoạn chính như sau:
2.1 Giai đoạn đau
- Xuất hiện cơn đau tại khớp vai kéo dài trong vài tuần.
- Đau tăng lên khi thực hiện các động tác dạng và xoay vai.
- Người bệnh có cảm giác khó chịu, cơn đau có thể lan ra vùng cánh tay.
2.2 Giai đoạn tắc nghẽn
- Đau giảm dần nhưng vận động khớp vai bị hạn chế rõ rệt.
- Các động tác như dạng, gấp và xoay vai trở nên khó khăn hoặc không thể thực hiện được.
- Có hiện tượng teo cơ, đặc biệt ở nhóm cơ trên gai và dưới gai. Teo cơ càng nặng nếu bệnh kéo dài mà không được can thiệp điều trị.
- Giai đoạn này thường kéo dài từ vài tháng đến hơn một năm.
2.3 Giai đoạn hồi phục
- Khả năng vận động khớp vai bắt đầu cải thiện dần dần.
- Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp tình trạng yếu cơ và teo cơ tồn tại.
- Thời gian hồi phục hoàn toàn có thể kéo dài đến 2 năm hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào mức độ tổn thương và phương pháp điều trị.
Việc phát hiện và điều trị bệnh sớm ngay từ giai đoạn đầu là yếu tố quan trọng để giảm thiểu biến chứng và rút ngắn thời gian phục hồi.
3.Phương pháp chẩn đoán hiện tượng đông cứng khớp vai
Để chẩn đoán hiện tượng đông cứng khớp vai, bác sĩ sẽ thực hiện quy trình thăm khám và đánh giá toàn diện tình trạng khớp vai của bệnh nhân. Quá trình này bao gồm các bước sau:
3.1. Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ đau và khả năng vận động của khớp vai thông qua hai hình thức:
- Vận động chủ động: Bệnh nhân tự di chuyển vai để kiểm tra phạm vi chuyển động.
- Vận động thụ động: Bác sĩ di chuyển vai của bệnh nhân để đánh giá mức độ linh hoạt và cứng khớp.
Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể tiêm thuốc tê vào khớp vai trước khi kiểm tra. Thuốc tê giúp làm giảm cơn đau, cho phép bác sĩ đánh giá chính xác hơn khả năng vận động vai trong cả hai hình thức (chủ động và thụ động).
3.2. Đánh giá kết quả
Dựa trên các biểu hiện trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ xác định mức độ hạn chế vận động của khớp vai, cũng như mức độ đau mà bệnh nhân cảm nhận trong các động tác.
3.3. Chẩn đoán hình ảnh
Để loại trừ các bệnh lý khác có thể gây đau và cứng khớp vai, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm hình ảnh, bao gồm:
- Chụp X-quang: Đánh giá cấu trúc xương và xác định các bất thường trong vùng khớp vai.
- Siêu âm hoặc chụp MRI: Cho hình ảnh chi tiết về mô mềm, giúp phát hiện các vấn đề như viêm khớp, rách gân cơ chóp xoay vai hoặc các tổn thương phần mềm khác.
Các phương pháp chẩn đoán này giúp bác sĩ xác định chính xác tình trạng đông cứng khớp vai và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, đảm bảo cải thiện hiệu quả chức năng khớp vai cho bệnh nhân.
4. Điều trị viêm quanh khớp vai thể tắc nghẽn
Việc điều trị viêm quanh khớp vai thể tắc nghẽn thường bao gồm kết hợp giữa điều trị nội khoa, vật lý trị liệu và các phương pháp kéo nắn nhằm cải thiện chức năng vận động và giảm đau.
4.1. Điều trị nội khoa
- Sử dụng thuốc thuộc nhóm non-Steroid, có thể dùng đường uống hoặc tiêm tùy trường hợp.
- Phong bế tại chỗ: Tiêm vào các vị trí như hạch giao cảm cổ, hạch sao nhằm cắt các phản xạ thần kinh gây đau.
- Phong bế thần kinh trên gai
- Tiêm hydrocortison acetate: Tiêm trực tiếp vào khớp vai để giảm viêm và đau.
- Tìm và điều trị nguyên nhân chính gây bệnh (chấn thương, bệnh lý nền…).
Viêm quanh khớp vai thể tắc nghẽn có thể được chỉ định dùng thuốc uống hoặc tiêm.
4.2. Điều trị vật lý trị liệu
- Sử dụng nhiệt nóng tại chỗ: Các phương pháp như hồng ngoại túi chườm nóng hoặc paraffin.
- Sóng ngắn: Hỗ trợ giảm viêm tại chỗ, cải thiện tình trạng viêm quanh khớp.
- Siêu âm trị liệu: Làm mềm và giảm hiện tượng dính, tắc nghẽn khớp vai.
- Điện phân dẫn thuốc hoặc dòng điện giao thoa: Giảm đau tại chỗ hiệu quả.
4.3. Kéo nắn trị liệu
Đây là phương pháp quan trọng giúp phục hồi khớp vai nhanh chóng, đặc biệt trong trường hợp bao khớp bị co cứng.
Kỹ thuật kéo nắn khớp vai:
- Kỹ thuật viên sẽ thực hiện kéo giãn khớp vai kết hợp đẩy chỏm xương vai về phía bao khớp co cứng.
- Lực kéo sử dụng từ 6-9 kg, tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, nhằm giải phóng tình trạng kẹt khớp và giảm đau.
- Kỹ thuật này cần được thực hiện sớm để tối ưu hiệu quả, nhưng phải đảm bảo không gây đau. Nếu bệnh nhân đau, cần điều chỉnh hướng kéo phù hợp.
Kéo nắn trị liệu giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng viêm quanh khớp vai thể tắc nghẽn.
Việc điều trị cần được thực hiện bởi các bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên môn cao, cùng với sự tuân thủ nghiêm ngặt của bệnh nhân để đạt hiệu quả tối ưu.
5. Tập luyện phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai thể tắc nghẽn
Tập vận động là một phần quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai thể tắc nghẽn. Các bài tập này giúp cải thiện khả năng vận động của khớp, giảm cứng khớp và tăng cường sức mạnh cơ bắp xung quanh khớp vai. Người bệnh có thể thực hiện các bài tập sau:
- Bài tập chủ động có trợ giúp: Tập vận động khớp vai với sự hỗ trợ của dụng cụ như gậy, ròng rọc, thang tường hoặc dây tập.
- Bài tập con lắc: Đung đưa cánh tay như con lắc đồng hồ, có thể kết hợp cầm vật nặng nhẹ (dưới 5 kg) để tăng hiệu quả. Đây là bài tập đơn giản nhưng rất hữu ích, giúp giảm cứng khớp và tăng phạm vi vận động của vai.
5.1 Hiệu quả của việc tập luyện
- Giữ tư thế đúng, tránh các biến dạng và hiện tượng cứng cơ, cứng khớp.
- Tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện khả năng vận động khớp vai.
- Giúp người bệnh duy trì chức năng vận động ổn định và lâu dài.
5.2 Thời gian tập luyện
Người bệnh nên dành tối thiểu 6-7 giờ mỗi tuần để tập luyện phục hồi chức năng. Tập đều đặn và kiên trì là yếu tố quan trọng để đạt được kết quả tốt.
5.3 Lưu ý trong quá trình tập luyện
- Việc tập luyện cần được thực hiện đúng cách dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên viên phục hồi chức năng, phù hợp với thể trạng của từng người.
- Tập sai cách có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, làm nặng thêm tình trạng bệnh.
- Người bệnh và gia đình cần kiên nhẫn, không bỏ cuộc giữa chừng vì hiệu quả của việc tập luyện thường xuất hiện từ từ và cần thời gian dài.
Người bệnh nên đến các trung tâm hoặc phòng khám phục hồi chức năng uy tín để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể, đảm bảo quá trình tập luyện phục hồi viêm quanh khớp vai thể tắc nghẽn an toàn và hiệu quả.
6.Phòng ngừa bệnh viêm quanh khớp vai thể tắc nghẽn
Việc phòng ngừa viêm quanh khớp vai thể tắc nghẽn là rất quan trọng nhằm bảo vệ khớp vai và giảm nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa hiệu quả:
- Chế độ sinh hoạt và vận động hợp lý: Hạn chế các động tác gây áp lực lớn lên khớp vai. Duy trì tư thế đúng trong lao động và sinh hoạt hàng ngày.
- Tránh mang vác vật nặng: Không nên mang vác vật nặng thường xuyên hoặc sai tư thế, đặc biệt là nâng vật quá cao hoặc quá xa tầm với.
- Không nên mang vác vật nặng thường xuyên hoặc sai tư thế, đặc biệt là nâng vật quá cao hoặc quá xa tầm với.
- Hạn chế các động tác lặp lại quá mức: Tránh đưa tay cao quá đầu lặp đi lặp lại nhiều lần.
- Thay đổi thói quen ngủ: Tránh thói quen ngủ nghiêng về một bên liên tục, đặc biệt là bên vai bị đau hoặc chịu áp lực lớn.
- Khởi động kỹ trước khi vận động: Trước khi tham gia các hoạt động thể thao hoặc vận động mạnh, cần khởi động kỹ để làm ấm cơ và khớp vai, giảm nguy cơ chấn thương.
Nếu bệnh viêm quanh khớp vai không được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng như teo cơ, hạn chế vận động, thậm chí mất chức năng khớp vai. Do đó, việc phòng ngừa và duy trì lối sống khoa học là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe khớp vai.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã và đang triển khai gói khám Gói tầm soát, sàng lọc các bệnh lý khớp vai giúp khách hàng Sàng lọc & phát hiện sớm bệnh lý về khớp vai để từ đó có biện pháp điều trị thích hợp, kịp thời. Các chẩn đoán nhằm đưa ra phác đồ điều trị bao gồm:
- Siêu âm khớp vai
- Một lần chụp X-quang ngực thẳng
- Một lần chụp X-quang khớp vai 2 tư thế
- Xét nghiệm máu (Công thức máu, Đông máu)
Quá trình tầm soát nếu phát hiện bệnh lý khớp vai thì khách hàng sẽ được các bác sĩ tư vấn trực tiếp và thực hiện điều trị chuyên sâu ngay tại Vinmec. Đặc biệt, với việc trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình trị liệu đạt tỷ lệ thành công cao, giúp bệnh nhân mắc bệnh viêm quanh khớp vai có thể phục hồi chức năng và khả năng vận động. Tại Vinmec, tập trung nhiều bác sĩ giỏi, tay nghề cao, có đầy đủ chứng chỉ hành nghề, cùng với đó là đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, rất tận tình trong quá trình điều trị và phục hồi chức năng thực hiện quá trình trị liệu và phục hồi chức năng cho kết quả tốt, đáp ứng được nhu cầu và sự mong muốn của khách hàng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Leave a Reply