Lầm tưởng về hệ tiêu hoá và những sự thật cần biết

Lầm tưởng về hệ tiêu hoá và những sự thật cần biết

Lầm tưởng về hệ tiêu hóa là nguyên nhân khiến nhiều người hiểu sai và lo lắng không cần thiết về sức khỏe của bản thân. Một ví dụ điển hình là quan niệm sai lầm rằng kẹo cao su phải mất nhiều năm mới có thể tiêu hóa. Thực tế, đây chỉ là một trong nhiều hiểu lầm phổ biến về hoạt động của hệ tiêu hóa. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết để hiểu đúng và có cái nhìn khoa học hơn về cách hệ tiêu hóa thực sự vận hành.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Vũ Huy Bình – Bác sĩ Nội soi tiêu hoá – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

1.Hệ tiêu hóa là gì?

Hệ tiêu hóa là một hệ thống cơ quan quan trọng trong cơ thể, đảm nhận chức năng tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Hệ tiêu hóa bao gồm hai phần chính:

Ống tiêu hóa

Đây là một hệ thống các cơ quan rỗng kéo dài từ miệng đến hậu môn, bao gồm các bộ phận: miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng, trực tràng và hậu môn. Các cơ quan này phối hợp thực hiện các giai đoạn tiêu hóa, từ nghiền nát thức ăn, chuyển hóa thành dưỡng chất, đến bài tiết các chất thải ra khỏi cơ thể.

Hệ thống mật tụy

Bao gồm ba cơ quan chính là gan, mật, và tụy. Những cơ quan này đảm nhận vai trò hỗ trợ tiêu hóa thông qua việc sản xuất mật và enzym tiêu hóa, cung cấp cho ống tiêu hóa nhằm phân giải các chất dinh dưỡng phức tạp như chất béo, protein, và carbohydrate.

Các cơ quan hỗ trợ quan trọng như tuyến tụy, túi mật và gan đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì hoạt động hiệu quả của toàn bộ hệ tiêu hóa, đảm bảo cơ thể nhận đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết.

2. Những lầm tưởng về hệ tiêu hoá phổ biến

2.1 Lầm tưởng về hệ tiêu hóa: Kẹo cao su mất nhiều năm để tiêu hóa

Một trong những quan niệm sai lầm phổ biến là cho rằng kẹo cao su sẽ lưu lại trong đường tiêu hóa suốt nhiều năm nếu vô tình nuốt phải. Sự thật là, mặc dù kẹo cao su không tan trong miệng và dạ dày không có khả năng phân hủy các thành phần của loại kẹo cao su, nhưng điều này không có nghĩa là loại kẹo này sẽ bị “kẹt” trong cơ thể suốt nhiều năm.

Hệ tiêu hóa vẫn xử lý kẹo cao su tương tự như các loại thực phẩm không tiêu hóa được khác. Sau khi đi qua dạ dày và ruột, kẹo cao su sẽ được cơ thể đào thải ra ngoài qua phân trong vòng vài ngày, mà không gây hại hay tồn đọng lâu dài trong đường tiêu hóa.

2.2 Ăn thực phẩm cay nóng gây loét dạ dày

Trước đây, nhiều người cho rằng việc ăn thực phẩm cay nóng là nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu y học, phần lớn các trường hợp loét niêm mạc dạ dày là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) hoặc do sử dụng lâu dài các loại thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen, hoặc naproxen.

Mặc dù thực phẩm cay có thể gây khó chịu hoặc đau dạ dày ở một số người, đặc biệt là những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm, nhưng đây không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra loét dạ dày.

2.3  Nhấc vật nặng gây thoát vị

Nhiều người tin rằng việc nâng vật nặng là nguyên nhân chính gây thoát vị. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số các yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ thoát vị, chứ không phải là nguyên nhân duy nhất. Thoát vị còn có thể xảy ra do các nguyên nhân khác như táo bón kéo dài, ho mãn tính, hoặc các tình trạng làm tăng áp lực trong ổ bụng.

Thoát vị xảy ra khi có áp lực tác động lên điểm yếu hoặc lỗ hổng trong cơ thành bụng, khiến các cơ quan nội tạng hoặc mô mỡ bị đẩy ra ngoài qua khu vực yếu này. Các vị trí thoát vị thường gặp bao gồm vùng bẹn, rốn, háng hoặc phần trên của dạ dày.

2.4 Chỉ người nghiện rượu mới mắc xơ gan

Nhiều người lầm tưởng về hệ tiêu hoá và cho rằng xơ gan chỉ xảy ra ở những người nghiện rượu. Tuy nhiên, mặc dù việc lạm dụng rượu là một nguyên nhân chính dẫn đến xơ gan (một tình trạng trong đó các tế bào gan bị tổn thương và thay thế bằng mô sẹo), vẫn còn nhiều yếu tố khác góp phần gây bệnh. Viêm gan Bviêm gan C là hai nguyên nhân đáng kể gây tổn thương gan dẫn đến xơ gan.

Một trong những lầm tưởng về hệ tiêu hoá là chỉ người nghiện rượu mới mắc xơ gan.

Ngoài ra, không phải tất cả những người uống nhiều rượu đều phát triển xơ gan, dù việc sử dụng rượu lâu dài chắc chắn có thể gây tổn thương gan.

2.5 Những loại hạt có vỏ gây viêm túi thừa đại tràng

Trước đây, các bác sĩ thường khuyến cáo những người mắc bệnh viêm túi thừa đại tràng (tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng các túi nhỏ hình thành trong thành đại tràng) tránh ăn các loại hạt có vỏ, ngô, bỏng ngô, và thực phẩm chứa hạt nhỏ như dâu tây, vì lo ngại các mảnh vụn có thể mắc kẹt trong túi thừa và gây đau hoặc viêm.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã cho đó một trong các lầm tưởng về hệ tiêu hoá phổ biến và bác bỏ quan niệm này. Thực tế, chế độ ăn giàu chất xơ, bao gồm các loại hạt, có thể giảm nguy cơ mắc bệnh viêm túi thừa.

2.6 Đậu là nguyên nhân chính gây đầy hơi

Một trong những lầm tưởng về hệ tiêu hoá phổ biến là cho rằng đậu là nguyên nhân chính gây đầy hơi. Tuy nhiên, thực tế các sản phẩm từ sữa bò mới là thủ phạm hàng đầu, đặc biệt ở người trưởng thành và lớn tuổi, do khả năng tiêu hóa lactose (đường sữa) bị suy giảm theo thời gian.

Để giảm tình trạng đầy hơi do sữa, người bệnh có thể lựa chọn các sản phẩm không chứa lactose hoặc sử dụng men lactase trước khi tiêu thụ thực phẩm từ sữa bò.

2.7 Người mắc bệnh không dung nạp lactose phải hoàn toàn kiêng sữa

Một quan niệm, lầm tưởng về hệ tiêu hoá khác là những người mắc bệnh không dung nạp lactose phải tuyệt đối tránh xa các sản phẩm từ sữa. Thực tế, khả năng dung nạp lactose ở mỗi người có sự khác biệt. Một số người có triệu chứng khó chịu ngay cả khi chỉ uống một ly sữa, trong khi những người khác có thể tiêu thụ đến hai ly mà không gặp vấn đề.

 

Một trong những lầm tưởng về hệ tiêu hoá là người mắc bệnh không dụng nạp lactose phải hoàn toàn kiêng sữa.

Ngoài ra, một số loại sản phẩm từ sữa có thể được hệ tiêu hóa dung nạp tốt hơn. Ví dụ, sữa chua hoặc kem đôi khi không gây triệu chứng, trong khi sữa tươi lại khó tiêu hóa hơn. Các loại phô mai lâu năm, như phô mai Thụy Sĩ hoặc Cheddar, thường chứa ít lactose hơn và dễ tiêu hóa hơn. Việc thử nghiệm và theo dõi chặt chẽ để xác định loại sản phẩm từ sữa phù hợp và liều lượng an toàn cho cơ thể là điều cần thiết.

2.8 Hút thuốc lá giúp giảm chứng ợ nóng

Một số người tin rằng hút thuốc lá có thể làm giảm tình trạng ợ nóng, nhưng điều này hoàn toàn là một lầm tưởng về hệ tiêu hoá. Nicotine trong thuốc lá làm giãn cơ vòng thực quản dưới – bộ phận chịu trách nhiệm ngăn không cho axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Khi cơ này bị giãn, tình trạng axit trào ngược có nguy cơ xảy ra nhiều hơn, làm tăng biểu hiện ợ nóng và các triệu chứng liên quan đến bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

2.9 Lão hóa là nguyên nhân chính gây táo bón

Táo bón thường được cho là do quá trình lão hóa, nhưng đây chỉ là một quan niệm sai lầm. Thực tế, táo bón ở người lớn tuổi thường liên quan đến các yếu tố như: sử dụng một số loại thuốc (như thuốc giảm đau, thuốc huyết áp), ít vận động, chế độ ăn ít chất xơ, và uống không đủ nước. Điều chỉnh lối sống, tăng cường vận động, và bổ sung chất xơ cùng với nước uống đầy đủ là cách hiệu quả để phòng ngừa và điều trị táo bón, thay vì chỉ quy kết do tuổi tác.

Có rất nhiều yếu tố góp phần gây táo bón ở người lớn tuổi như chế độ ăn ít chất xơ.

2.10 Chất xơ không giúp ích cho bệnh tiêu chảy

Mọi người thường biết đến chất xơ như một biện pháp hỗ trợ điều trị táo bón, nhưng ít ai nhận ra rằng chất xơ cũng có thể giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy. Quan niệm, lầm tưởng về hệ tiêu hoá rằng chất xơ không có tác dụng đối với bệnh tiêu chảy là một lầm tưởng phổ biến. Thực tế, chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa độ đặc của phân, hoạt động theo hai cơ chế khác nhau:

  • Đối với tình trạng táo bón: Chất xơ giúp ruột già kéo nước vào phân, làm mềm phân và hỗ trợ đi ngoài dễ dàng hơn.
  • Đối với tình trạng tiêu chảy: Chất xơ hấp thụ bớt lượng nước dư thừa trong đường ruột, giúp phân trở nên đặc hơn, từ đó giảm tình trạng tiêu chảy.

Do đó, việc bổ sung chất xơ một cách hợp lý không chỉ cải thiện táo bón mà còn hỗ trợ hiệu quả trong việc kiểm soát tiêu chảy, góp phần duy trì sức khỏe đường tiêu hóa.

2.11 Tự nhận biết được khi mắc ung thư đại tràng

Một lầm tưởng về hệ tiêu hoá nguy vô cùng hiểm khác là nghĩ rằng bản thân sẽ biết nếu mắc ung thư đại tràng. Thực tế, ung thư đại tràng thường không gây ra triệu chứng rõ ràng cho đến giai đoạn muộn, khi việc điều trị trở nên phức tạp và ít hiệu quả hơn.

Do đó, việc tầm soát định kỳ là cực kỳ quan trọng, đặc biệt đối với những người có nguy cơ trung bình. Hầu hết các khuyến cáo y khoa đề nghị bắt đầu tầm soát ung thư đại tràng từ 50 tuổi. Các phương pháp tầm soát thường bao gồm:

Xét nghiệm phân hàng năm để kiểm tra sự hiện diện của máu ẩn trong phân.

Lầm tưởng về hệ tiêu hoá
Lầm tưởng về hệ tiêu hoá

Việc lựa chọn phương pháp tầm soát nên được thực hiện sau khi thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ, để đảm bảo phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu cá nhân. Phát hiện sớm ung thư đại tràng không chỉ nâng cao hiệu quả điều trị mà còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.

3. Những biện pháp giúp hỗ trợ và bảo vệ hệ tiêu hóa

Để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả, ngoài việc hiểu rõ những lầm tưởng về hệ tiêu hoá, độc giả còn có thể áp dụng các biện pháp sau:

3.1 Uống đủ nước

Nước đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thức ăn di chuyển dễ dàng qua đường tiêu hóa. Thiếu nước là một trong những nguyên nhân phổ biến gây táo bón. Do đó, hãy đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày.

3.2 Bổ sung đủ chất xơ trong chế độ ăn

Chất xơ giúp duy trì hoạt động ổn định của hệ tiêu hóa, hỗ trợ đi đại tiện đều đặn. Cần kết hợp cả chất xơ hòa tan (có trong yến mạch, táo, cà rốt) và chất xơ không hòa tan (có trong lúa mì nguyên hạt, các loại rau xanh) để hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh.

3.3 Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng

  • Ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Tránh các thực phẩm chế biến sẵn và thay thế ngũ cốc tinh chế bằng ngũ cốc nguyên cám.
  • Ưu tiên tiêu thụ thịt gia cầm thay cho thịt đỏ.
  • Hạn chế đường, thực phẩm đóng hộp và thịt nguội.

Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng là một trong những cách giúp bảo vệ hệ tiêu hoá hiệu quả.

3.4. Sử dụng thực phẩm chứa men vi sinh (Probiotics)

Probiotics là vi khuẩn có lợi, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột và bảo vệ hệ tiêu hóa khỏi sự tấn công của vi khuẩn có hại. Thực phẩm giàu men vi sinh bao gồm sữa chua, dưa muối và các sản phẩm lên men. Đặc biệt, sau khi sử dụng thuốc kháng sinh, cần bổ sung men vi sinh để khôi phục hệ vi sinh đường ruột.

3.5 Ăn uống chánh niệm

Hãy ăn chậm, nhai kỹ để giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Thói quen này giúp thức ăn được tiêu hóa tốt hơn, hỗ trợ quá trình hấp thụ dưỡng chất diễn ra hiệu quả.

3.6. Tăng cường vận động thể chất

Tập thể dục thường xuyên giúp thúc đẩy sự di chuyển của thức ăn qua đường tiêu hóa, giảm nguy cơ táo bón và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru.

3.7. Hạn chế sử dụng rượu bia và thuốc lá

  • Rượu làm tăng tiết axit dạ dày, gây ra các triệu chứng như ợ nóng, trào ngược axit và có thể dẫn đến loét dạ dày.
  • Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ trào ngược axit và gây tổn thương nghiêm trọng đến đường tiêu hóa.

3.8. Kiểm soát căng thẳng

Căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như táo bón, tiêu chảy hoặc hội chứng ruột kích thích. Thực hành các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga hoặc hít thở sâu sẽ giúp giảm căng thẳng và bảo vệ hệ tiêu hóa.

Áp dụng những biện pháp trên không chỉ giúp cải thiện chức năng tiêu hóa mà còn tăng cường sức khỏe tổng thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *