Xơ gan và những quan niệm sai lầm trong quá trình điều trị

Xơ gan và những quan niệm sai lầm trong quá trình điều trị

Xơ gan là giai đoạn tiến triển nghiêm trọng của các tình trạng bệnh lý khiến tổn thương gan mạn tính, trong đó viêm gan B là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng này. Mặc dù y học hiện đại đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc chẩn đoán và điều trị xơ gan, nhưng không ít bệnh nhân và người nhà vẫn có những quan niệm sai lầm trong quá trình điều trị bệnh.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ [….], chuyên ngành [….], tại […]

1.Xơ gan là bệnh gì?

Xơ gan là giai đoạn cuối của các bệnh gan mạn tính, khi mô gan lành bị thay thế bởi các tổ chức xơ, sẹo và các nhân tái tạo. Quá trình này làm suy giảm chức năng gan. Nguyên nhân chính gây xơ gan bao gồm viêm gan siêu vi B, viêm gan C và lạm dụng rượu bia. Ngoài ra, một số bệnh lý ít gặp hơn cũng có thể dẫn đến xơ gan như hội chứng Budd-Chiari, tăng áp lực tĩnh mạch cửa tiên phát hoặc các rối loạn chuyển hóa như bệnh Wilson, bệnh thừa sắt (Haemochromatosis).

2. Các triệu chứng của xơ gan theo từng giai đoạn

Xơ gan được chia thành hai giai đoạn chính: giai đoạn còn bù và giai đoạn mất bù, với các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng khác nhau.

2.1. Giai đoạn còn bù

Trong giai đoạn này, các triệu chứng bệnh thường biểu hiện không rõ ràng, người bệnh có thể không nhận thấy dấu hiệu bất thường và vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường.

Một số biểu hiện trong giai đoạn này bao gồm:

  • Mệt mỏi, chán ăn.
  • Rối loạn tiêu hóa nhẹ: đầy bụng khó tiêu.
  • Đau âm ỉ ở vùng hạ sườn phải.
  • Xuất hiện các sao mạch (dạng mao mạch giãn nhỏ) ở cổ, ngực.
  • Lòng bàn tay đỏ (son lòng bàn tay).
  • Gan to chắc, lách to khi thăm khám.

2.2. Giai đoạn mất bù

Giai đoạn này thể hiện bằng hai hội chứng chính: tăng áp lực tĩnh mạch cửa và suy tế bào gan, với các biểu hiện lâm sàng rõ rệt hơn như:

Triệu chứng toàn thân:

  • Chán ăn, mệt mỏi, suy nhược cơ thể.
  • Da có thể vàng trong đợt tiến triển hoặc sạm da.
  • Rối loạn tiêu hóa
  • Đầy bụng, trướng hơi, khó tiêu.

Dấu hiệu da liễu và tuần hoàn:

  • Xuất hiện sao mạch, phù mềm ở chân.
  • Tĩnh mạch nổi xanh trên thành bụng, rốn và mạng sườn ( do vòng nối cửa chủ vùng bụng xuất hiện).

Biểu hiện nguy hiểm:

  • Xuất huyết tiêu hóa: nôn ra máu, đi ngoài phân đen do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản – dạ dày.
  • Cổ trướng (dịch thấm trong ổ bụng).

Biểu hiện khác:

  • Lách to khi thăm khám.
  • Nam giới có thể bị vú to bất thường.
Xơ gan
Xơ gan

3. Các xét nghiệm chẩn đoán xơ gan

Việc thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán giúp xác định chính xác tình trạng xơ gan, mức độ tổn thương gan và các biến chứng liên quan. Các phương pháp chính bao gồm:

3.1. Xét nghiệm máu

  • Số lượng tiểu cầu giảm
  • Thiếu máu hồng cầu lớn

3.2 Xét nghiệm chức năng gan

Các xét nghiệm chức năng gan giúp xác định tình trạng suy giảm chức năng

  • Albumin huyết thanh giảm
  • Tỷ lệ prothrombin giảm
  • Bilirubin máu tăng

3.3. Siêu âm

  • Lách to
  • Cổ trướng tự do
  • Tĩnh mạch cửa giãn: đường kính trên 1,2 cm là dấu hiệu của tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
  • Gan: Chẩn đoán có thể thấy tăng sáng và thoái hóa mỡ thường gặp trong xơ gan do rượu. Hay tình trạng teo nhỏ thường gặp trong xơ gan do viêm gan siêu vi.

3.4. Nội soi thực quản – dạ dày

  • Giãn tĩnh mạch thực quản
  • Giãn tĩnh mạch ở dạ dày: có thể xảy ra đồng thời với giãn tĩnh mạch thực quản.
  • Bệnh lý niêm mạc dạ dày và đại tràng do tăng áp lực tĩnh mạch cửa: niêm mạc dạ dày và đại tràng thể hiện tình trạng phù nề giống như da rắn.

Việc kết hợp các phương pháp xét nghiệm trên giúp đánh giá chính xác tình trạng xơ gan, mức độ tổn thương và nguy cơ biến chứng, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.

4. Phòng ngừa bệnh xơ gan cho các thành viên trong gia đình

Xơ gan không phải là bệnh lây truyền qua đường ăn uống hoặc không khí, do đó, bệnh nhân và người thân trong gia đình có thể sinh hoạt cùng nhau mà không cần lo ngại về nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, trong trường hợp xơ gan do viêm gan B, cần lưu ý những điểm sau để phòng ngừa hiệu quả:

4.1. Đường lây nhiễm của viêm gan B

Viêm gan B lây truyền qua các đường:

  • Đường máu: tiếp xúc với máu hoặc các chế phẩm từ máu bị nhiễm vi rút.
  • Từ mẹ sang con: nguy cơ lây truyền cao nhất khi người mẹ mắc viêm gan B.
  • Đường tình dục: qua quan hệ tình dục không an toàn có thể gây lây nhiễm viêm gan B.

4.2. Kiểm tra và thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho các thành viên trong gia đình

Đối với vợ hoặc chồng của bệnh nhân:

  • Cần làm xét nghiệm kiểm tra viêm gan B (HBsAg).
  • Nếu chưa nhiễm viêm gan B, nên tiêm phòng viêm gan B càng sớm càng tốt.

Đối với con của bệnh nhân nữ:

  • Cần xét nghiệm sàng lọc viêm gan B để phát hiện sớm nhiễm vi rút.
  • Trẻ em nhiễm viêm gan B từ mẹ có nguy cơ cao phát triển thành xơ gan hoặc ung thư gan trước 30 tuổi. Do đó, cần được theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế.

4.3. Theo dõi và quản lý bệnh nhân viêm gan B

Những người có kết quả xét nghiệm máu dương tính với HBsAg cần kiểm tra và theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng/lần tại cơ sở y tế.

Việc xét nghiệm, theo dõi và điều trị kịp thời cho cả bệnh nhân và các thành viên trong gia đình có vai trò quan trọng trong việc hạn chế các biến chứng nguy hiểm do viêm gan B gây ra.

5. Các biến chứng thường gặp của xơ gan

Xơ gan có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Xuất huyết tiêu hóa: Do tăng áp lực tĩnh mạch cửa, dẫn đến vỡ các búi giãn ở thực quản và dạ dày.
  • Ung thư gan
  • Nhiễm khuẩn dịch cổ trướng
  • Hội chứng gan thận: Suy giảm chức năng gan dẫn đến suy thận kèm theo.
  • Bệnh não do gan: Biểu hiện qua các triệu chứng như chậm chạp, ngủ gà, trong trường hợp nặng có thể dẫn đến hôn mê gan.

6. Phương pháp điều trị xơ gan

Xơ gan là bệnh lý có diễn biến phức tạp và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Nếu được chẩn đoán sớm, việc điều trị có thể mang lại hiệu quả cao, giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống. Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng điều trị đúng cách có thể kiểm soát và ngăn ngừa các biến chứng.

Mục tiêu chính của điều trị là phát hiện sớm và điều trị dự phòng các biến chứng. Các bước điều trị cụ thể bao gồm:

  • Nội soi thực quản – dạ dày: Tất cả bệnh nhân xơ gan cần được thực hiện nội soi để đánh giá nguy cơ xuất huyết tiêu hóa do giãn tĩnh mạch thực quản hoặc dạ dày, từ đó có biện pháp điều trị dự phòng phù hợp.
  • Quản lý dịch cổ trướng: Đánh giá mức độ cổ trướng và áp dụng các phương pháp điều trị để kiểm soát và loại bỏ dịch cổ trướng.
  • Điều trị và dự phòng nhiễm khuẩn dịch cổ trướng: Phát hiện sớm nhiễm khuẩn dịch cổ trướng để điều trị kịp thời, đồng thời áp dụng các biện pháp dự phòng để ngăn ngừa tái phát.

Đối với xơ gan do virus viêm gan B, việc sử dụng các thuốc kháng virus thuộc nhóm nucleoside như lamivudine, entecavir hoặc tenofovir có thể giúp giảm nồng độ virus trong cơ thể, từ đó hạn chế tổn thương thêm cho gan và ngăn ngừa tiến triển bệnh.

7. Những quan niệm sai lầm trong điều trị xơ gan

Hiện nay, nhiều bệnh nhân và gia đình vẫn hiểu sai về xơ gan, cho rằng đây là bệnh nan y không thể điều trị được. Do đó, không ít người tự ý sử dụng các loại thảo dược hoặc thuốc không rõ nguồn gốc với hy vọng chữa bệnh. Tuy nhiên, các loại thuốc và thảo dược không rõ thành phần này có thể gây độc cho gan, làm bệnh nặng hơn và thậm chí dẫn đến tử vong.

Đặc biệt, ở một số trường hợp, việc dùng thuốc không rõ nguồn gốc không chỉ gây xơ gan mà còn tổn thương thận, dẫn đến suy thận nghiêm trọng.

Nhờ những tiến bộ trong y học hiện nay, việc điều trị xơ gan đã có nhiều cải thiện đáng kể. Các loại thuốc hiện đại và các phương pháp nội soi hỗ trợ điều trị hiệu quả, giúp kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Do đó, thay vì tự ý điều trị, bệnh nhân cần tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.


Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *