Hệ tiêu hóa và dạ dày: Những bệnh lý dạ dày phổ biến
Hệ tiêu hóa và dạ dày đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Dạ dày là một cơ quan thuộc hệ tiêu hóa, có cấu trúc dạng khối cơ, nằm ở vùng trên bên trái của ổ bụng với chức năng chính là nhận thức ăn từ thực quản, sau đó tiết ra các chất để phân giải và tiêu hóa thức ăn. Dưới đây là các bệnh lý dạ dày thường gặp và các xét nghiệm phổ biến được sử dụng trong chẩn đoán bệnh.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Tấn Phúc – Bác sĩ Nội tiêu hóa – Khoa Khám bệnh & nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
1.Hệ tiêu hóa và dạ dày là gì?
Hệ tiêu hóa là một hệ thống cơ quan quan trọng trong cơ thể, đảm nhận chức năng tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Hệ tiêu hóa bao gồm hai phần chính:
Ống tiêu hóa
Đây là một hệ thống các cơ quan rỗng kéo dài từ miệng đến hậu môn, bao gồm các bộ phận: miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng, trực tràng và hậu môn. Các cơ quan này phối hợp thực hiện các giai đoạn tiêu hóa, từ nghiền nát thức ăn, chuyển hóa thành dưỡng chất, đến bài tiết các chất thải ra khỏi cơ thể.
Hệ thống mật tụy
Bao gồm ba cơ quan chính là gan, mật, và tụy. Những cơ quan này đảm nhận vai trò hỗ trợ tiêu hóa thông qua việc sản xuất mật và enzym tiêu hóa, cung cấp cho ống tiêu hóa nhằm phân giải các chất dinh dưỡng phức tạp như chất béo, protein, và carbohydrate.
Dạ dày, một phần quan trọng trong hệ tiêu hóa, là nơi tiếp nhận và tiêu hóa thức ăn sau khi được nhai và nuốt qua thực quản. Với sự hỗ trợ của dịch vị chứa axit và enzym, dạ dày phân giải thức ăn thành dạng dễ hấp thu trước khi chuyển xuống ruột non để tiếp tục quá trình tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất.
Các cơ quan hỗ trợ quan trọng như tuyến tụy, túi mật và gan đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì hoạt động hiệu quả của toàn bộ hệ tiêu hóa, đảm bảo cơ thể nhận đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết.
2. Các bệnh lý dạ dày thường gặp ở hệ tiêu hóa và dạ dày
2.1 Trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal Reflux)
Đây là một bệnh lý dạ dày gây ra bởi tình trạng các thành phần trong dạ dày, bao gồm axit, di chuyển ngược lên thực quản. Bệnh lý dạ dày này có thể không biểu hiện triệu chứng hoặc gây ra các triệu chứng như ợ nóng và ho.
2.2 Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (Gastroesophageal Reflux Disease – GERD)
Khi triệu chứng trào ngược xuất hiện thường xuyên hoặc gây khó chịu, tình trạng này được xem là bệnh lý dạ dày. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng ở thực quản, bao gồm nguy cơ ung thư.
2.3 Chứng khó tiêu (Dyspepsia)
Chứng khó tiêu là một trong những triệu chứng phổ biến, có thể xảy ra trong nhiều bệnh lý hệ tiêu hóa và dạ dày từ nhẹ đến nặng. Người bệnh thường cảm thấy khó chịu vùng thượng vị, bụng đầy hơi khó tiêu hoặc buồn nôn.
2.4 Loét dạ dày
Đây là tình trạng bệnh lý dạ dày gây tổn thương viêm loét ở niêm mạc dạ dày, thường gây đau hoặc chảy máu. Nguyên nhân phổ biến của loét dạ dày là sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) hoặc nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori).
Lạm dụng rượu bia quá nhiều dễ dẫn tới các bệnh về hệ tiêu hóa và dạ dày như viêm loét dạ dày
2.5 Bệnh loét dạ dày – tá tràng
Đây là một bệnh hệ tiêu hóa và dạ dày do tình trạng tổn thương niêm mạc xảy ra ở dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu tiên của ruột non). Viêm loét dạ dày tá tràng thường gây đau vùng thượng vị, đặc biệt sau khi ăn.
2.6 Viêm dạ dày
Viêm dạ dày là một bệnh lý dạ dày gây ra bởi tình trạng viêm nhiễm ở niêm mạc dạ dày, gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn và/hoặc đau bụng. Nguyên nhân phổ biến của viêm dạ dày bao gồm uống rượu, sử dụng một số loại thuốc (như NSAID), nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) hoặc do các yếu tố khác.
2.7 Ung thư dạ dày
Đây là một trong những loại ung thư phổ biến tại Việt Nam, đứng thứ ba trong các bệnh ung thư thường gặp. Việc phát hiện sớm ung thư dạ dày giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm tỷ lệ tử vong.
2.8 Hội chứng Zollinger-Ellison (ZES)
Là một rối loạn hiếm gặp, trong đó các khối u (gastrinoma) tiết ra hormone làm tăng sản xuất axit dạ dày. Tình trạng này có thể gây GERD nặng và loét dạ dày.
2.9 Giãn tĩnh mạch dạ dày (Gastric varices)
Ở những bệnh nhân mắc bệnh gan nặng, tĩnh mạch trong dạ dày có thể giãn lớn do tăng áp lực tĩnh mạch cửa g. Bệnh lý dạ dày giãn tĩnh mạch này khiến những tĩnh mạch bị giãn có nguy cơ chảy máu, nhưng nguy cơ thường thấp hơn so với giãn tĩnh mạch thực quản.
2.10 Chảy máu dạ dày
Đây là bệnh lý dạ dày có thể xảy ra do viêm dạ dày, loét hoặc ung thư dạ dày. Biểu hiện thường gặp bao gồm nôn ra máu hoặc chất nôn có màu đen hoặc đi ngoài phân đen.
2.11 Liệt dạ dày (Gastroparesis)
Liệt dạ dày là tình trạng suy yếu hoặc liệt cơ dạ dày do tổn thương thần kinh, thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường hoặc các bệnh lý khác. Người bệnh có thể gặp triệu chứng buồn nôn, nôn hoặc tiêu hóa thức ăn chậm, gây cảm giác đầy bụng kéo dài.
3. Các xét nghiệm thường gặp trong chẩn đoán bệnh Hệ tiêu hóa và dạ dày
3.1 Nội soi đường tiêu hóa trên (Esophagogastroduodenoscopy – EGD)
Đây là phương pháp sử dụng một ống mềm có gắn camera ở đầu để quan sát trực tiếp niêm mạc thực quản, dạ dày và tá tràng (phần đầu tiên của ruột non). Ống nội soi được đưa qua miệng của người bệnh, giúp bác sĩ phát hiện tổn thương do bệnh lý dạ dày hoặc các bất thường tại các cơ quan này.
3.2 Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)
Phương pháp này sử dụng tia X kết hợp với máy tính để tái tạo hình ảnh chi tiết của dạ dày và vùng bụng, hỗ trợ phát hiện các tổn thương hoặc khối u.
Xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán hệ tiêu hoá và các bệnh lý dạ dày
3.3 Chụp cộng hưởng từ (Magnetic Resonance Imaging – MRI)
Sử dụng từ trường mạnh để tạo hình ảnh chi tiết, có độ phân giải cao của dạ dày và các cơ quan trong ổ bụng. Phương pháp này hữu ích trong việc đánh giá các tổn thương mô mềm do các bệnh dạ dày gây ra.
3.4 Đo độ pH thực quản
Một thiết bị đo nhỏ được đưa qua mũi và đặt vào thực quản để đo nồng độ axit. Phương pháp này giúp đánh giá mức độ trào ngược axit từ dạ dày lên thực quản, hỗ trợ chẩn đoán và điều chỉnh điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
3.5 X-quang thực quản cản quang với Barium (Barium Swallow)
Người bệnh sẽ nuốt một chất cản quang (barium), sau đó chụp X-quang thực quản và dạ dày. Phương pháp này được sử dụng để phát hiện các tổn thương như loét, hẹp thực quản hoặc các dấu hiệu bất thường khác.
3.6 Chụp X-quang đường tiêu hóa trên (Upper GI Series – UGI)
Kỹ thuật này sử dụng tia X để chụp hình ảnh của thực quản, dạ dày và phần trên của ruột non. Đây là phương pháp giúp phát hiện các bất thường về cấu trúc hoặc tổn thương ở đường tiêu hóa trên.
3.7 Đánh giá khả năng làm rỗng dạ dày (Gastric Emptying Study)
Đây là xét nghiệm đánh giá tốc độ di chuyển của thức ăn qua dạ dày. Thức ăn được gắn nhãn phóng xạ nhẹ trước khi ăn, sau đó người bệnh được chụp lại hình ảnh để theo dõi quá trình tiêu hóa. Phương pháp này thường áp dụng cho người có triệu chứng nôn ói, đau bụng, no nhanh hoặc để chuẩn bị trước phẫu thuật.
3.8 Sinh thiết dạ dày
Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy một mẫu nhỏ từ niêm mạc dạ dày để làm xét nghiệm sinh thiết. Phương pháp này giúp chẩn đoán các tình trạng nhiễm Helicobacter pylori (H. pylori), ung thư dạ dày hoặc các bệnh hệ tiêu hóa và dạ dày khác liên quan đến tổn thương niêm mạc.
3.9 Xét nghiệm H. pylori
Do nhiều người nhiễm H. pylori không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu, xét nghiệm phân hoặc test thở để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn. Kỹ thuật này cũng được sử dụng để đánh giá hiệu quả điều trị sau khi tiêu diệt vi khuẩn H. pylori.
Thực hiện các xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng dạ dày
4. Một số phác đồ điều trị bệnh lý dạ dày
4.1 Thuốc chẹn thụ thể histamine H2
Loại thuốc này ức chế tác động của histamine, một chất kích thích tăng tiết axit dạ dày. Việc chặn histamine giúp giảm sản xuất axit và cải thiện triệu chứng bệnh trào ngược dạ dày – thực quản cùng một số bệnh hệ tiêu hóa và dạ dày khác.
4.2 Thuốc ức chế bơm proton (Proton Pump Inhibitors – PPI)
Nhóm thuốc này tác động trực tiếp lên các bơm axit trong tế bào dạ dày, làm giảm sản xuất axit hiệu quả và là một trong những cách trị bệnh dạ dày. Để đạt hiệu quả cao, thuốc cần được sử dụng đúng liều lượng và theo hướng dẫn của bác sĩ.
4.3 Thuốc kháng axit
Các loại thuốc này giúp trung hòa axit trong dạ dày, giảm cảm giác nóng rát và khó chịu. Tuy nhiên, những loại thuốc này không có khả năng tiêu diệt vi khuẩn hoặc ngăn cản quá trình sản xuất axit mới.
4.4 Nội soi điều trị
Trong quá trình nội soi đường tiêu hóa trên, bác sĩ có thể phát hiện tổn thương và đồng thời tiến hành các biện pháp điều trị, chẳng hạn như cầm máu trong trường hợp có xuất huyết tiêu hoá.
4.5 Tác nhân tăng vận động (Motility agents)
Loại thuốc này kích thích tăng cường khả năng co bóp của dạ dày, giúp cải thiện triệu chứng một số bệnh lý dạ dày như chậm tiêu hóa hoặc liệt dạ dày.
4.6 Phẫu thuật dạ dày
Đối với các trường hợp nghiêm trọng như xuất huyết tiêu hóa nặng, thủng loét dạ dày, hoặc ung thư dạ dày, phẫu thuật là phương pháp điều trị bắt buộc nhằm kiểm soát bệnh lý và bảo toàn tính mạng người bệnh.
4.7 Thuốc kháng sinh
Trong trường hợp nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori), bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị bằng kháng sinh kết hợp với các loại thuốc khác nhằm loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn này, qua đó cải thiện bệnh lý dạ dày.
Thuốc kháng sinh có thể để được chỉ định để điều trị một số bệnh hệ tiêu hóa và dạ dày.
Các phương pháp điều trị bệnh hệ tiêu hóa và dạ dày trên cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Leave a Reply