Thực đơn cho người ung thư phổi giai đoạn cuối nên bổ sung
Thực đơn cho người ung thư phổi giai đoạn cuối yếu tố cần được chú trọng đặc biệt. Việc xây dựng một thực đơn dinh dưỡng phù hợp không chỉ đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất cần thiết mà còn góp phần hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Dưới đây là một số nhóm thực phẩm nên được ưu tiên trong các bữa ăn hàng ngày dành cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng BSCK II Bùi Lê Phước Thu Thảo – Bác sĩ xạ trị – Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1.Thực đơn cho người ung thư phổi giai đoạn cuối
Người mắc ung thư phổi giai đoạn cuối cần một chế độ dinh dưỡng chuyên biệt nhằm hỗ trợ điều trị và nâng cao sức khỏe tổng thể. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, chế độ ăn dành cho bệnh nhân ung thư phổi nên bao gồm các thực phẩm giàu protein, leucine, dầu cá, oligosaccharide hoặc các sản phẩm dinh dưỡng cân bằng năng lượng và đạm (isocaloric/isonitro).
Những dưỡng chất này đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân đang trải qua hóa trị hoặc xạ trị. Cụ thể, chế độ ăn này giúp tăng nồng độ EPA và DHA trong phospholipid của bạch cầu, đồng thời làm giảm mức PGE2 – một chất trung gian gây viêm trong huyết thanh. Hiệu quả của chế độ dinh dưỡng này có thể nhận thấy rõ rệt chỉ sau một tuần áp dụng.
Xây dựng thực đơn cho người ung thư phổi giai đoạn cuối là điều rất quan trọng.
2. Nhóm chất cần thiết trong thực đơn cho người ung thư phổi giai đoạn cuối
Trong quá trình điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối, bệnh nhân thường gặp phải tình trạng thay đổi vị giác, giảm cảm giác thèm ăn và sụt cân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể. Vì vậy, xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý không chỉ giúp bảo vệ trọng lượng cơ thể mà còn hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả điều trị.
2.1 Protein từ thực vật
Bệnh nhân ung thư phổi nên bổ sung protein từ thực vật như đậu, quả hạch và các loại hạt. Đây là những thực phẩm không chỉ giàu protein mà còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, góp phần tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện sức khỏe tổng thể.
2.2 Protein từ thịt trắng
Đối với nguồn protein động vật, thịt trắng như thịt gà hoặc cá là lựa chọn ưu tiên hơn so với thịt đỏ. Thịt trắng ít chất béo bão hòa và không chứa hormone tăng trưởng, giảm nguy cơ tích tụ các chất độc hại trong cơ thể, đồng thời hỗ trợ giảm tình trạng viêm nhiễm.
Ưu tiên lựa chọn thịt trắng hơn thịt đỏ khi bổ sung vào chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối.
2.3 Chất béo lành mạnh
Chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe tim mạch và khả năng chống viêm của cơ thể. Bệnh nhân có thể bổ sung các loại chất béo lành mạnh từ dầu ô liu, dầu hạt dẻ, dầu óc chó và các thực phẩm giàu axit béo omega-3, giúp hỗ trợ chống viêm và cải thiện chức năng miễn dịch.
2.4 Carbohydrate lành mạnh
Bệnh nhân nên ưu tiên sử dụng các loại carbohydrate từ ngũ cốc nguyên hạt như lúa mì nguyên cám, yến mạch và gạo lứt. Những loại thực phẩm này giàu chất xơ hòa tan, giúp duy trì cảm giác no lâu, cải thiện chức năng hệ tiêu hóa và hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh.
2.5 Chất xơ hòa tan
Chất xơ hòa tan đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất axit béo chuỗi ngắn (SCFAs), giúp hỗ trợ quá trình trao đổi chất, sửa chữa tế bào và giảm viêm. Các nguồn chất xơ hòa tan có thể bổ sung bao gồm rau củ, trái cây và các loại đậu.
2.6 Vitamin và khoáng chất
Vitamin và khoáng chất là những vi chất thiết yếu giúp tối ưu hóa hoạt động của enzyme, tăng cường khả năng miễn dịch và hỗ trợ giảm tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể. Các nguồn cung cấp giàu dinh dưỡng này bao gồm rau xanh, trái cây, hải sản và các loại hạt.
2.7 Vitamin D
Vitamin D thường bị thiếu hụt ở bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối, đặc biệt trong quá trình hóa trị và xạ trị. Nguồn bổ sung vitamin D tốt bao gồm sữa, bơ, nước cam, sữa chua và một số loại ngũ cốc. Việc duy trì mức vitamin D ổn định có thể hỗ trợ sức khỏe xương và cải thiện miễn dịch.
2.8 Thực phẩm kháng viêm tự nhiên
Các loại thực phẩm có đặc tính kháng viêm tự nhiên như trà xanh, dứa, dâu tây, việt quất, mâm xôi và dâu đen chứa nhiều anthocyanins, một chất chống oxy hóa mạnh. Sử dụng thường xuyên các thực phẩm này có thể giúp giảm viêm và cải thiện sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân.
3. Ung thư phổi nên ăn gì?
Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ điều trị và cải thiện sức khỏe của bệnh nhân ung thư phổi. Dưới đây là hai nhóm thực phẩm được khuyến nghị:
3.1 Lê và táo
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, việc tiêu thụ lê và táo hàng ngày có thể giảm nguy cơ mắc ung thư nhờ hợp chất phloretin có trong hai loại trái cây này. Phloretin không chỉ có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, mà còn giúp tăng hiệu quả của cisplatin – một loại thuốc hóa trị thường được sử dụng trong điều trị ung thư phổi.
Ngoài ra, phloretin còn hỗ trợ giảm xơ hóa phổi, một tác dụng phụ phổ biến của xạ trị, từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Vì vậy, bổ sung lê và táo vào chế độ ăn hàng ngày là một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để hỗ trợ quá trình điều trị và bảo vệ sức khỏe toàn diện.
3.2 Cá hồi
Cá hồi được xem là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt có lợi cho bệnh nhân ung thư phổi. Cá hồi chứa hàm lượng cao axit béo omega-3, cùng với nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu. Các thành phần này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể mà còn được chứng minh có tác dụng hỗ trợ chống lại sự phát triển của ung thư. Với giá trị dinh dưỡng vượt trội, cá hồi xứng đáng được gọi là “thực phẩm vàng” trong chế độ ăn của bệnh nhân ung thư phổi.
Cá hồi là thực phẩm vàng giúp chống lại ung thư.
Các nghiên cứu gần đây đã làm rõ vai trò của dinh dưỡng trong việc hỗ trợ điều trị ung thư phổi, đặc biệt là thông qua việc bổ sung các loại thực phẩm chứa các dưỡng chất quan trọng. Một trong số đó là vitamin D, vốn được chứng minh có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, góp phần kiểm soát và chống lại sự tiến triển của bệnh.
3.3 Cà rốt
Cà rốt là nguồn cung cấp dồi dào axit chlorogenic, một hợp chất có khả năng ức chế quá trình hình thành mạch máu mới. Điều này đặc biệt quan trọng, vì các tế bào ung thư cần mạch máu mới để cung cấp máu, oxy và dinh dưỡng nhằm phát triển và xâm lấn các mô khác.
Nghiên cứu đã cho thấy rằng axit chlorogenic trong cà rốt có thể làm gián đoạn quá trình này, từ đó làm giảm khả năng phát triển của các tế bào ung thư. Vì vậy, việc bổ sung cà rốt vào chế độ ăn hàng ngày của bệnh nhân ung thư phổi không chỉ giúp cung cấp dưỡng chất mà còn hỗ trợ làm giảm sự phát triển và lan rộng của khối u.
3.4 Hàu
Hàu là một loại hải sản giàu kẽm, một khoáng chất thiết yếu được biết đến với khả năng ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Theo các nghiên cứu gần đây, kẽm không chỉ có tác dụng chống ung thư mà còn giúp tăng cường hiệu quả của các phương pháp điều trị ung thư phổi, đặc biệt là hóa trị với thuốc Taxotere (docetaxel).
Bổ sung hàu vào chế độ ăn của bệnh nhân ung thư phổi có thể mang lại lợi ích đáng kể, không chỉ hỗ trợ quá trình điều trị mà còn giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và nâng cao hiệu quả của các liệu pháp y khoa.
4. Ung thư phổi nên kiêng gì?
Ngoài việc bổ sung các thực phẩm có lợi, bệnh nhân ung thư phổi cần tránh sử dụng một số loại thực phẩm có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và quá trình điều trị. Dưới đây là những nhóm thực phẩm cần hạn chế:
4.1. Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa
Các món ăn như đồ chiên, xào, nướng, thịt xông khói, thực phẩm đông lạnh hoặc đóng hộp thường chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao. Loại chất béo này gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa, làm cản trở việc hấp thụ dinh dưỡng cần thiết, từ đó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bệnh nhân.
4.2. Thực phẩm nhiều đường
Đồ ngọt như bánh ngọt, kẹo, nước trái cây có đường hay các loại đồ uống chứa nhiều đường cần được hạn chế vì những loại thực phẩm có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người bệnh
4.3. Thực phẩm cứng, khô và khó tiêu hóa
Các loại thực phẩm quá cứng hoặc khô, khó nhai và nuốt sẽ gây khó khăn trong quá trình ăn uống, đặc biệt với bệnh nhân gặp vấn đề về tiêu hóa hoặc suy giảm chức năng nuốt.
4.4 Thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh
Bệnh nhân cần tránh sử dụng thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh hay những thực phẩm chiên rán ở nhiệt độ cao
4.5 Thực phẩm cay và có tính acid
Các món ăn cay nóng, chứa nhiều gia vị như ớt, tiêu, bột cà ri hoặc có tính acid cao cần được hạn chế để tránh gây kích ứng đường tiêu hóa.
4.6 Đồ uống có hại, chất kích thích
Cần tránh tiêu thụ đồ uống có chứa caffeine, nước ngọt có gas, bia rượu và đặc biệt là không hút thuốc lá. Những chất này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể mà còn làm giảm hiệu quả điều trị ung thư.
4.7 Sữa và sản phẩm từ sữa (đối với bệnh nhân dị ứng)
Đối với bệnh nhân bị dị ứng với sữa, cần tránh sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa vì những loại thực phẩm này có thể gây phản ứng dị ứng, buồn nôn, tiêu chảy hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiêu hóa.
Hiểu rõ những loại thực phẩm không phù hợp sẽ giúp thực đơn cho người ung thư phổi giai đoạn cuối hiệu quả, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.
Việc xây dựng một thực đơn cho người ung thư phổi giai đoạn cuối hợp lý và duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân bằng cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối là vấn đề quan trọng mà cả bệnh nhân lẫn người chăm sóc cần đặc biệt chú trọng. Việc lựa chọn các thực phẩm phù hợp, giàu dưỡng chất không chỉ giúp hỗ trợ hiệu quả trong quá trình điều trị mà còn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tiên lượng sống cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Leave a Reply